Người dân hưởng nhiều lợi ích từ 2 nhóm dịch vụ công liên thông ở Hà Nam
Sau hơn nửa năm triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí tại Hà Nam, với sự nỗ lực, cố gắng cũng như tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” việc triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của các cấp các ngành và quần chúng nhân dân.
Ghi nhận tại phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý (Hà Nam), nếu như trước đây muốn làm giấy tờ khai sinh cho một cháu bé, người thân phải đi thực hiện 3 thủ tục hành chính ở 3 cơ quan khác nhau: Đăng kí khai sinh tại bộ phận tư pháp; Đăng kí thường trú tại cơ quan Công an; Làm thẻ BHYT tại cơ quan BHXH, thì giờ đây chỉ cần một thao tác qua cổng dịch vụ công quốc gia, người dân đã có thể giải quyết cùng lúc 3 thủ tục này một cách nhanh chóng, giảm hồ sơ, giấy tờ phải chuẩn bị.
Chị Phạm Thị Nhung, người dân phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý (Hà Nam) phấn khởi cho biết: “Hôm nay tôi đến làm thủ tục khai sinh cho cháu trai. Không phải viết lách khai báo hàng loạt biểu mẫu như trước đây, dưới sự hướng dẫn của cán bộ tư pháp, chỉ với vài thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến, mọi thông tin của gia đình tôi đã được so sánh, đối soát trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin đăng ký khai sinh của cháu trai tôi cũng ngay lập tức được kết nối với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội. Tôi thấy rất tiện ích, chỉ cần đến một lần thì đã có thể đăng ký khai sinh cho cháu, nhập khẩu thường trú và thẻ BHYT, mà thẻ bảo hiểm còn đem đến tận nhà giúp chúng tôi không phải đi lại nhiều lần vất vả”.
Trao đổi về vấn đề này, chị Nguyễn Thanh Lưu, cán bộ Tư pháp Hộ tịch phường Lê Hồng Phong cho biết: “Việc thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông giúp giảm bớt thời gian đi lại cho người dân, giảm chi phí giấy tờ, như trước đây khi triển khai thủ tục liên thông khai sinh thì người dân phải đi ít nhất 3 cơ quan và nhiều lần đi lại và thời gian thực hiện là khoảng 2 tuần.
Tuy nhiên, khi triển khai thủ tục liên thông như hiện nay, thì người dân chỉ cần đi lại một lần duy nhất đó là đến nhận kết quả. Bên cạnh đó, phường cũng đã trang bị máy tính có kết nối Internet để hỗ trợ cho người dân trong khi triển khai các thủ tục, đồng thời phân công cán bộ hướng dẫn trực tiếp cho người dân để người dân thực hiện một cách thuận tiện nhanh chóng”.
Tương tự tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đối với những gia đình khi có người thân không may qua đời thì việc giải quyết thủ tục liên quan đến khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng gia đình, cũng chỉ cần thực hiện một lần, giải quyết được 3 thủ tục hành chính. Như vậy, khi thủ tục được cắt giảm, người dân đã không cần phải đi lại nhiều lần, giảm được thời gian, giảm thủ tục, và giảm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Hương, người dân xã Thanh Phong chia sẻ: “Với vài thao tác đơn giản trên cổng dịch vụ công trực tuyến, nếu bận công việc khi đi làm trong giờ hành chính mà không có thời gian đến thì thông qua cổng dịch vụ công tôi có thể làm các bước rất dễ dàng. Ví dụ như chụp hình các tờ khai trên đó tải xuống, xong đưa lên các hồ sơ đó cũng rất là dễ dàng. Chỉ cần một máy điện thoại thông minh ở nhà tôi cũng có thể làm được rồi”.
Quá trình triển khai thực hiện, Đại úy Bùi Văn Lập, Trưởng Công an xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm cho biết: “Để bảo đảm việc thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông đạt hiệu quả cao nhất, ngay sau khi có kế hoạch triển khai của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Công an huyện Thanh Liêm, Công an xã Thanh Phong đã chủ động phối hợp với ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, đồng tình thực hiện. Bên cạnh đó, phân công cán bộ tiếp dân phối hợp giải quyết các thủ tục đảm bảo đúng quy trình, quy định, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân”…
TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam là 2 tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí. Đến nay, sau hơn nửa năm thực hiện thí điểm, cho thấy việc liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính giảm thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Kết quả đó được minh chứng sau hơn nửa năm thực hiện Hà Nam đã tiếp nhận hơn 9.400 hồ sơ; trong đó nhóm khai sinh là hơn 7.300 trường hợp; nhóm khai tử là hơn 2.100 trường hợp, góp phần tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng từ việc giảm hồ sơ, giấy tờ người dân phải chuẩn bị; đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân...
Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Công dân nộp hồ sơ thực hiện 3 thủ tục hành chính cùng lúc, không phải khai báo, cung cấp thông tin nhiều lần, đã cắt giảm 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin. Khi người dân thực hiện những dịch vụ công liên thông hoàn toàn trên môi trường số giúp người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ chính quyền các cấp, cũng không phải đi lại vất vả, khó khăn, tiết kiệm thời gian, công sức... Cùng với việc đem lại lợi ích cho người dân, còn góp phần giúp cơ quan Nhà nước hạn chế, phòng ngừa tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, tránh tình trạng “tham nhũng vặt”.
Từ những kết quả tích cực và những lợi ích hữu hiệu sau thời gian thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông tại Hà Nội và Hà Nam, đến ngày 10/7 thì 2 dịch vụ công liên thông này đã được triển khai nhân rộng ra toàn quốc.
Có thể thấy, việc triển khai 2 nhóm dịch vụ công này không chỉ mang lại lợi ích, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, người lao động khi chỉ cần khai báo thông tin 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích cho người dân. Đây cũng là 2 trong 4 nhóm dịch vụ công cần liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ.