“Ngôi nhà bình yên” chống nạn mua bán người
Tại hội thảo “Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán” do Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 8/2022 tại TP Huế, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 3 năm (2019 - 2021), có hơn 30 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Từ tháng 11/2018 tới tháng 2/2022, đường đây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài đã tiếp nhận hơn 9 nghìn cuộc gọi, trong đó có hơn 1 nghìn cuộc gọi nhờ tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu…
Mặc dù hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên lớn mạnh tại cấp huyện, cấp xã, hỗ trợ công nhân hòa nhập cộng đồng nhưng tình trạng đưa người đi lao động trái phép sang Campuchia và các nước khác với chiêu bài lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí nhiều lao động sau khi sang nước ngoài còn bị hành hạ, đe dọa, áp bức tinh thần. Nạn nhân sau đó yêu cầu người nhà phải nộp tiền chuộc từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để được thả, nếu không sẽ bị bán cho các công ty khác.
Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian gần đây, nổi lên một số phương thức thủ đoạn là lợi dụng mạng xã hội (zalo, facebook...), sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage.
Các đối tượng người nước ngoài dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức đưa họ vượt biên trái phép. Các nạn nhân khi sang Campuchia bị bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh, bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Một mánh lới khác nữa là nhiều đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận, có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính...
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn phát hiện nhiều nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội nhằm tìm kiếm những phụ nữ có thai, nhưng không có nhu cầu nuôi con, hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi. Tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Theo Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, vừa qua, Công an Thừa Thiên-Huế nhận được tin báo và xác minh có 16 trường hợp sang Campuchia lao động nhưng mất liên lạc. Gia đình đã viết đơn trình báo cầu cứu cơ quan Công an nhằm hỗ trợ tìm kiếm. Hiện có 9 trường hợp đã về đoàn tụ gia đình (gia đình mất một khoản tiền chuộc từ 45 triệu đồng đến 150 triệu đồng). Phòng CSHS tiến hành xác minh, điều tra vụ việc 3 trường hợp: L.V.H., L.S.C. và N.V.T. (đều SN 2005, trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy). Các em bị các đối tượng lừa đảo rủ rê, tuyển dụng lao động với mức lương mỗi tháng 50 triệu đồng. Sau đó, 3 em đón xe vào tỉnh Kiên Giang, lên tàu đánh cá ra biển. Quá trình đánh cá trên tàu, các em bị hành hạ, đánh đập và bóc lột. Qua xác minh có nạn nhân H.T.N. (trú TP Pleiku, Gia Lai) cùng 2 nạn nhân khác ôm phao nhảy xuống biển, được ngư dân Malaysia cứu vào đầu tháng 7/2022. Trung tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, các em H., C. và T. đã bị lừa không nhận được tiền công như đã hứa, bị hành hạ, đánh đập và cưỡng bức lao động.
Bà Phan Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đối với việc phụ nữ bị lừa bán qua nước ngoài, mặc dù thời gian qua các tổ chức chính trị xã hội thực hiện rất mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhưng chủ yếu chỉ tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên của mình, còn những nhóm người đối tượng đích lại ít được tuyên truyền, ít theo dõi thông tin, thời sự pháp luật. Các nạn nhân tự trở về hầu như không khai báo với chính quyền địa phương vì lo sợ trả thù hay mặc cảm tự ti nên việc tiếp xúc, hỗ trợ càng gặp nhiều khó khăn…
Để góp phần phòng, chống vấn nạn mua, bán người, các cấp hội phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã xây dựng và nhân rộng 23 mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người, đặc biệt tập trung ở các địa bàn miền núi có chung đường biên giới với nước bạn Lào; tổ chức kết nối cho phụ nữ hồi hương trở về được vay vốn, học nghề, tạo việc làm tại địa phương. Trong 5 năm qua, các cấp hội chủ động mở rộng hoạt động tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và giải ngân cho hàng chục ngàn phụ nữ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hỗ trợ vốn vay cho 1.088 cho phụ nữ di cư hồi hương trở về nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế tình trạng bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế và KOICA thí điểm thành lập Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình tại 5 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Nội.
Qua đó, tổ chức các hoạt động vận động chính sách, kết nối dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, đối thoại và hỗ trợ phụ nữ di cư về các vấn đề thường gặp và cách thức giải quyết. Đến nay, các văn phòng OSSO đã tư vấn, hỗ trợ cho gần 4 nghìn lượt người di cư hồi hương…