Ngăn ngừa thế hệ trẻ vướng vào thuốc lá điện tử

Thứ Năm, 08/06/2023, 17:58

Công bố Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

Ngày 8/6, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.

Trước đó, vào ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Ưu tiên hàng đầu là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng -0
Hội nghị công bố Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.

Chiến lược cũng đặt ra 3 mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được đến năm 2030 như: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%;

Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%;

Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên, qua đó cũng trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.

Các nội dung cần tập trung tiếp theo là xây dựng chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam.

Vì vậy, thời gian tới, cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thế hệ trẻ không vướng vào thuốc lá điện tử. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Trần Hằng
.
.
.