Ngăn chặn hành vi tiếp tay bạo lực học đường phát triển

Chủ Nhật, 17/12/2023, 06:55

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra được phát hiện qua những clip mà học sinh đưa lên mạng xã hội như học sinh đánh bạn, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh xúc phạm giáo viên…

Tuy nhiên, ngoài việc xử lý học sinh vi phạm, có trường còn xử phạt luôn cả những em đã quay clip rồi tung lên mạng. Mặc dù hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau về mức độ và cách thức xử phạt học sinh trong tình huống này song nhiều ý kiến cho rằng, học sinh quay clip và phát tán lên mạng xã hội là thiếu ý thức xây dựng cộng đồng, tiếp tay cho bạo lực học đường.

401473066_719104543584760_5456620706870648131_n.jpeg -0
Học sinh cũng cần phải có trách nhiệm chung tay xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, việc học sinh quay clip và đưa lên mạng nói chung, đặc biệt các vụ việc liên quan tới bạo lực học đường thì có cả phần đúng và sai. Đúng là có thể dùng những thông tin từ clip để làm bằng chứng để xử lý những sai phạm. Còn sai là những clip đó đưa lên mạng sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, đến các cá nhân liên quan. Từ góc độ giáo viên, cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên THCS tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, từ những sự việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đã tới lúc cần có những bộ quy tắc sử dụng điện thoại di động trong trường học và cả thầy cô giáo cũng như học sinh cần được trang bị kỹ năng sử dụng điện thoại và mạng xã hội phù hợp. Trong đó, quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường cần nêu rõ những việc các em được làm, những việc không được làm; nếu vi phạm sẽ bị chế tài với các mức độ cụ thể ra sao để học sinh nắm rõ. “Nếu tình huống học sinh chứng kiến bạo lực học đường mà không thể can ngăn và đã quay lại clip để làm bằng chứng cho nhà trường và cơ quan pháp luật thì điều đó là đáng tuyên dương mặc dù học sinh có thể vi phạm về hành vi sử dụng điện thoại trong trường học (nếu trường có quy định). Còn nếu học sinh đó thờ ơ trước tình huống và quay lại clip phát tán lên mạng xã hội thì hành vi này cần phân tích, giải thích và giáo dục nhận thức về cách xử lý tình huống, cần có hình thức kỷ luật tích cực cả về tình huống phát tán clip và cả về tình huống sử dụng điện thoại trong trường học”, cô Hải cho hay.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Việc đứng quay clip khi phát hiện bạo lực học đường mà không can ngăn hay báo cáo lại nhà trường là hành động vô cảm, thiếu ý thức xây dựng trong việc giúp đỡ các bạn chống bạo lực học đường. Hành động quay clip bạo lực học đường, phát tán lên mạng chỉ đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ của mọi người, gây ảnh hưởng tới nhà trường là hành động đáng bị kỷ luật. Việc quay lại clip bạo lực học đường chỉ đúng khi nó là bằng chứng đưa lên trường để xử lý những bạn xảy ra mâu thuẫn, chứ không nên phát tán lên mạng. Tuy vậy, ông Lâm cũng cho rằng, nhà trường cần phải giáo dục các em thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi chứ không đặt nặng về vấn đề trừng phạt. Cái chính là phải giáo dục học sinh về ý thức cộng đồng, trách nhiệm tạo ra môi trường an toàn trong nhà trường. Các em phải có nghĩa vụ phòng chống bạo lực học đường chứ không nên cổ vũ những hành động thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ của mọi người. Học sinh cũng như phụ huynh phải hiểu rằng việc quay clip và phát tán lên mạng xã hội là thiếu ý thức xây dựng cộng đồng, tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển.

Luật sư Hồ Sĩ Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư S&A cho biết: Khoản 1, Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của cá nhân. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý. Trong trường hợp nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Nếu đối chiếu theo quy định, việc học sinh quay clip về bạo lực học đường rồi tung lên mạng là vi phạm nên nhà trường có thể đề xuất các biện pháp xử phạt học sinh phù hợp.

Tuy nhiên, Luật sư Hồ Sỹ Dũng cũng cho rằng, do các em học sinh phần lớn đang nhỏ tuổi, hiểu biết về pháp luật của các em còn hạn chế nên việc sử dụng các biện pháp như đình chỉ học sẽ là quá nặng tay. Thay vào đó, nhà trường nên sử dụng các biện pháp kỹ luật tích cực để học sinh thay đổi nhận thức và hành vi. Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các em, giúp các em phân biệt cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên làm và không nên làm. Trong đó, cần đặc biệt trang bị cho học sinh bộ năng lực số, hiểu về đặc điểm của thông tin số để có thể tương tác an toàn trên mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, lành mạnh và trách nhiệm.

Huyền Thanh
.
.
.