Nâng cao nhận thức về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở Lâm Đồng

Thứ Năm, 23/11/2023, 13:20

Để người sử dụng lao động và người lao động thấy rõ tầm quan trọng của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền tải những quy định, kiến thức liên quan tới lĩnh vực trên tới người sử dụng lao động và người lao động.

Trên thực tế, tới nay không ít doanh nghiệp, người lao động vẫn chưa ý thức rõ về tầm quan trọng của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người sử dụng lao động và người lao động mỗi khi không may xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình công tác, làm việc.

Nâng cao nhận thức về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở Lâm Đồng -0
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất lớn nhưng lâu nay vẫn chưa được các doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm đúng mức. Quỹ không chỉ bảo đảm chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, trợ cấp phục vụ cho người lao động và thân nhân của họ khi không may xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng bồi thường từ người sử dụng lao động, cũng như gánh nặng an sinh xã hội. Chính sách này còn hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, việc tham gia quỹ này góp phần chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động.

Trong các buổi tập huấn chuyên môn về nghiệp vụ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các giảng viên của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã truyền tải tới người sử dụng lao động và người lao động chính sách và các quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 và hướng dẫn điều kiện, thủ tục, quy trình áp dụng mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; Công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng là lãnh đạo, ban chấp hành công đoàn cơ sở, cán bộ an toàn vệ sinh lao động, y tế, hành chính nhân sự, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính để thụ hưởng chính sách từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.

Nâng cao nhận thức về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở Lâm Đồng -0
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015: “Người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Hiện nay, mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, hoặc 0,3% đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao, thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 58, ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khi tham gia Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động và người sử dụng lao động sẽ được đảm bảo các quyền lợi. Gồm, nhóm chính sách liên quan đến khắc phục hậu quả do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật hoặc giám định lại do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định; chi trợ cấp một lần, hàng tháng, trợ cấp phục vụ; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động liên quan đến các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giảm mức đóng (hiện nay áp dụng mức đóng 0,3%) nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho cả người sử dụng lao động và người lao động; hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp.

Thông qua các buổi tập huấn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã từng bước giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua đó góp phần lan tỏa thông điệp tích cực, ý nghĩa nhân văn của loại Quỹ này đối với doanh nghiệp và người lao động. 

Minh Kỳ
.
.
.