Mưa trái mùa, nông dân trồng điều ở Bình Phước lo lắng
Những cơn mưa trái mùa liên tục dội xuống gần đây khiến nhiều diện tích điều ở Bình Phước bị ảnh hưởng nặng nề, nông dân lo lắng.
Anh Văn Nho ở phường Long Phước, thị xã Phước Long có 3ha điều hơn 10 năm tuổi cho biết, đầu vụ, nông dân vui mừng vì điều ra bông và đậu hạt sai, hứa hẹn một mùa bội thu. Thế nhưng, thời tiết thay đổi thất thường, mưa trái mùa nặng hạt kéo dài xảy ra liên tục làm bông điều bị khô, hạt non cháy đen và rụng.
Dự báo sản lượng năm nay sẽ giảm mạnh so với năm ngoái. "Vườn điều hiện bị khô bông, bị bọ xít tấn công nhiều sau các trận mưa trái mùa, dự đoán thất thu từ 20-30% so năm trước. Đến thời điểm này tôi đã buông xuôi, phó mặc cho thời tiết" - anh Nho nói.
Còn anh Trần Văn Hùng ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập có 2ha điều hơn 15 năm tuổi cho biết: "Sản lượng chắc chắn sẽ bị sụt giảm nhiều. Gn đây xuất hiện nhiều cơn mưa lớn bất chợt sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Nếu như các năm trước, 2ha điều thu hơn 4 tấn thì dự báo năm nay chỉ đạt khoảng 2 tấn".
Nông dân trồng điều còn kém vui vì giá điều đầu vụ năm nay thấp hơn năm ngoái từ 3-4 ngàn đồng/kg. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá điều tươi từ 30-31 ngàn đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ ở mứa 26-27 ngàn đồng/kg.
Ngày 3-3, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, Sở vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện thị và các đơn vị phối hợp chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ dịch hại vụ điều niên vụ 2021-2022. Theo đó, chính quyền các địa phương phối hợp chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng của vụ điều đến thời điểm hiện nay và ước năng suất đến cuối vụ gửi về Sở để báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Sở cũng yêu cầu báo cáo định kỳ kết quả triển khai và những khó khăn trong công tác ra quân, tuyên truyền chăm sóc vườn điều vào ngày 30 hàng tháng về Sở (thông qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh) hoặc thông tin nhanh qua nhóm Zalo: "Chỉ đạo điều" đã được kết nối đến cấp huyện để được phối hợp xử lý.
Bình Phước là "thủ phủ" điều của cả nước với hơn 134.000ha. Địa phương này hiện có hơn 100 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, sản xuất hạt điều, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, sản phẩm đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động.
Nông dân đang sống nhờ kinh tế vườn điều khoảng 75.000 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tháng 5-2018, Bình Phước đã đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước".