Mưa lũ ngập nhiều tuyến đường, miền Trung bị chia cắt
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp trường gió Đông hoạt động mạnh nên từ ngày 23/10, một số tỉnh ở khu vực miền Trung có mưa to và rất to khiến mực nước lũ các con sông dâng cao. Mưa lũ đã làm sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường ở miền núi và gây ngập lụt nhiều địa phương trũng thấp ở hạ lưu.
Lực lượng Công an đã được huy động đảm bảo giao thông trên tuyến huyết mạch quốc lộ 1A, đồng thời sẵn sàng di dời dân ở những vùng bị ngập sâu đến nơi trú tránh an toàn.
Tại Thừa Thiên - Huế:
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, nhiều giờ qua địa bàn tỉnh có mưa lớn, hiện các hồ thủy lợi, thủy điện gồm A Lưới, A Lin B1, Hương Điền, Bình Điền và hồ Tả Trạch đang hành điều tiết xả nước về hạ du.
Đến trưa 23/10, mực nước trên sông Hương, sông Bồ ở mức xấp xỉ báo động 2. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, đặc biệt là ở các huyện A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông và Phong Điền. Trong đó, các tuyến đường 71 từ Phong Xuân, huyện Phong Điền đến thủy điện Rào Trăng 3, thủy điện A Lin B2 và thủy điện A Lin B1 có nguy cơ sạt lở cao.
Tại huyện Quảng Điền, mưa lớn khiến một số tuyến giao thông huyết mạch bị ngập sâu, các phương tiện giao thông ôtô, xe máy không lưu thông được, người dân vùng thấp trũng phải sử dụng ghe, thuyền đi lại.
Cụ thể, tuyến tỉnh lộ 19 và tỉnh lộ 8 qua xã Quảng Thọ ngập sâu khoảng 0,3 - 0,4m; tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Quảng An và Quảng Thành bị ngập sâu khoảng 0,3 - 0,5m; đoạn đập tràn ở cầu Đen, xã Quảng Phước ngập sâu khoảng 0,6m. Các đường giao thông liên xã, liên thôn thuộc các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ và một số thôn vùng thấp của các xã Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thái, huyện Quảng Điền bị ngập sâu từ 0,2 - 0,5m, giao thông đi lại khó khăn.
Hiện các địa phương đã lập rào chắn và cử lực lượng trực chốt kiểm soát người và phương tiện qua lại. Trong sáng 23/10, Trường THPT Hóa Châu ở xã Quảng An và một số trường vùng thấp trũng ở các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã thông báo cho học sinh nghỉ học.
Mưa lớn trong những ngày qua tiếp tục làm sạt lở nhiều vị trí dọc tuyến bờ biển các xã ven biển và các con sông lớn. Cụ thể sạt lở sông Bồ qua địa bàn các phường, xã Hương Vân, Hương Xuân (thị xã Hương Trà); Quảng Phú, Quảng An (huyện Quảng Điền) với chiều dài 3,5km. Ngoài ra, sụt lún trên sông Hương qua phường Hương Hồ (TP Huế) khoảng 100m làm ảnh hưởng đến các tuyến giao thông và mất đất sản xuất nông nghiệp dọc các con sông này.
Nhằm chủ động triển khai ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương tổ chức triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị trọng điểm, các vùng ven biển, cửa sông, ven sông, ven sông suối.
Tại tỉnh Quảng Ngãi:
Mưa lớn kéo dài cũng khiến mực nước lũ con con sông dâng cao. Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị chia cắt do ngập nước và sạt lở. Đặc biệt, tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua khu công nghiệp Vsip Quảng Ngãi đã bị ngập sâu gây ùn tắc giao thông. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường lực lượng bảo đảm TTATGT trên tuyến. Tuyến đường Eo Chim - Trà Nham, thuộc xã Hương Trà, huyện Trà Bồng bị sạt lở nghiêm trọng, phương tiện không thể lưu thông.
Lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã lập rào chắn, bảo đảm giao thông, phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nhiều tuyến đường ở TP Quảng Ngãi cũng đã bị ngập trong nước lũ. Đã có 3 trường hợp bị chết do mưa lũ.
Cụ thể, vào khoảng 9h sáng 23/10, ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1980, ở Soi Dâu, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) ra sông Phước Giang sau nhà, bất cẩn té xuống nước và bị cuốn trôi mất tích. Các lực lượng chức năng huyện Nghĩa Hành đang nỗ lực tìm kiếm, nhưng do nước lũ sông Phước Giang đang lên và chảy xiết nên công tác tìm kiếm nạn nhân gặp khó khăn. Trước đó, tại huyện miền núi Sơn Hà, nước lũ cũng đã cuốn trôi 2 người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang mưa rất lớn, lũ trên các sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ… đang lên và tràn vào gây ngập lụt một số khu dân cư. Lực lượng Công an cơ sở và chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng di dời người dân ở vùng bị ngập lũ nặng đến nơi trú tránh an toàn.
Tại tỉnh Quảng Nam:
Mưa lớn kéo dài liên tục từ chiều tối 22/10 đến ngày 23/10 đã khiến nước lũ dâng cao, gây ngập sâu tại Km 988 - QL1A đoạn qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh (có điểm ngập 0,6m), kéo dài hơn 100m.
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ 6h-15h ngày 23/10, nước lũ đã tràn qua tuyến QL1A tại Km 988, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông qua lại. Đơn vị đã cử 2 tổ công tác đến hiện trường điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông để các phương tiện qua lại an toàn. Ngoài ra, lực lượng CSGT đã huy động 1 xe tải nâng chở các phương tiện xe máy qua điểm ngập sâu.
Do mưa lớn nên từ 16h ngày 23/10, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tiết nước hồ Phú Ninh với lưu lượng từ 400-1.000m3/s, gây ngập sâu trên QL1A đoạn qua địa bàn xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phân luồng cho các phương tiện ôtô di chuyển lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để tiếp tục hành trình.
Nước lũ các sông dâng cao cũng đã khiến nhiều khu dân cư tại vùng trũng thấp các xã Tam Đàn, Tam An, huyện Phú Ninh bị ngập sâu, có nơi ngập gần 1m. Riêng tại xã Tam Đàn, trong sáng 23/10 có 15 người cao tuổi sống tại các vùng trũng thấp được đưa đến Nhà văn hóa xã để đảm bảo an toàn. Còn tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, lúc 3h ngày 23/10, khi đang neo đậu tại khu neo đậu âu thuyền thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, do mưa lớn nên 2 tàu cá của ngư dân địa phương bị chìm, gồm tàu số hiệu QNa-90552TS, công suất 120CV, dài 14,7m, hành nghề lưới mùng của ông Trần Hoa Nghiệm (SN 1960, trú thôn Ngọc An, xã Tam Tiến) và tàu số hiệu QNa-00935TS, công suất 39CV, dài 12,8m, hành nghề giã cào của ông Huỳnh Tấn Phương (SN 1979 trú thôn Ngọc An).
Tiếp nhận tin báo vụ việc, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến hiện trường để tìm hiểu thông tin và hỗ trợ công tác trục vớt. Tuy nhiên, do có mưa lớn nên đến chiều 23/10, công tác trục vớt 2 tàu cá bị chìm vẫn chưa được triển khai.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác PCTT gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; sẵn sàng phương tiện, lực lượng để ứng cứu người dân trong các trường hợp khẩn cấp. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong buổi chiều 23/10; yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục theo dõi diễn biến của thời tiết để ứng phó kịp thời; phân công trực 24/24 để xử lý những tình huống do mưa lũ gây ra.
Tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, đến chiều 23/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị ngập lũ, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, tại Km25+300 QL14H, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên nước ngập sâu 0,4m khiến xe máy không lưu thông được; tại Km65+405 QL14H, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn nước ngập sâu gần 1m gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Tại Km62+378 QL40B (ngầm Sông Trường), xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My bị ngập sâu gần 1m, giao thông bị ách tắc, lực lượng chức năng đã phân luồng giao thông theo đường khác. Tại Km19+620 tuyến ĐT612, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, nước ngập sâu, chảy xiết làm trôi đường tạm thi công cống hộp, ách tắc giao thông. Tuyến ĐT615 đoạn qua xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ và xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh bị ngập sâu tại nhiều vị trí, gây ách tắc giao thông.