Mưa lớn gây ngập nhiều nơi tại Đà Nẵng

Thứ Tư, 18/09/2024, 10:43

Từ sáng sớm 18/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to làm nhiều đoạn, tuyến đường và một số khu vực dân cư bị ngập nước, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Thời điểm ngập đúng vào giờ cao điểm, học sinh đi học và phụ huynh chở con đến trường dẫn tới việc có nơi bị ách tắc cục bộ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ 5h- 8h sáng ngày 18/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, một số khu vực có cường độ mưa trong 1 giờ rất lớn, hơn 40mm/giờ, như: hồ Thạc Gián (57,6mm), Khe Cạn (52mm), đường Nguyễn Đình Tựu (53,4mm), suối Đá (69,6mm), suối Lương (51,8mm), phường Hòa Phát (55,8mm), Trung tâm GD-DN 05-06 (64mm)... lượng mưa tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu phổ biến 100-300mm, có nơi trên 400mm; lượng mưa tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm; lượng mưa tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm làm nhiều đoạn, tuyến đường và một số khu vực dân cư bị ngập cục bộ do nước không thoát kịp.

Mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại Đà Nẵng -0
Sáng 18/9, Công an quận Sơn Trà phối hợp các lực lượng chức năng triển khai lập chốt, tạm ngăn không để các phương tiện lưu thông lên Bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi mưa lớn nguy cơ sạt lở đất, đá trên núi cao. 

Lượng mưa quá lớn kéo dài từ đêm ngày 17/9 gây gập sâu khiến nhiều tuyến giao thông tại  TP Đà Nẵng vào sáng 18/9 trở nên hỗn loạn. 

Nhiều tuyến đường ngập sâu 30-40 cm, cụ thể tại khu vực đường Quang Trung (quận Hải Châu) có đoạn nước ngập sâu đến đầu gối khiến nhiều xe máy bị chết máy, phụ huynh học sinh đã rất vất vả khi vượt qua tuyến đường này để đưa con em kịp đến trường.

Tuyến phố Hàm Nghi (quận Thanh Khê) gần như ngập hoàn toàn trên 30mm, hàng loạt phương tiện tắt máy, gây ách tắc, khiến người dân đi lại rất khó khăn.

Mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại Đà Nẵng -0
Mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại Đà Nẵng -0
Nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng ngập sâu từ 30 -40mm, ùn tắc cục bộ do mưa lớn vào sáng 18/9.  

Trong sáng sớm 18/9, Đội CSGT -TT Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã triển khai điều tiết giao thông tại các điểm ùn tắc cục bộ do mưa lớn, nhiều phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. Các tổ công tác CSGT-TT có mặt tại các khu vực giao thông nguy cơ ngập cao, hướng dẫn phương tiện lưu thông theo hướng thuận lợi nhất, tránh việc ùn ứ, gây ách tắc kéo dài; đồng thời túc trực và sẵn sàng làm nhiệm vụ tại các địa điểm, tuyến đường có nguy cơ ngập lụt trên địa bàn để hỗ trợ người dân kịp thời nhất.

Tại quận Sơn Trà, mưa lớn, nguy cơ lở đất đá trên núi rất cao. Từ sáng sớm 18/9, Công an quận Sơn Trà phối hợp các lực lượng chức năng quận và phường Thọ Quang đã triển khai lập chốt tại khu vực cuối đường Hoàng Sa, tạm ngăn không để các phương tiện lưu thông lên Bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. 

Mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại Đà Nẵng -1
Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng triển khai các tổ công tác có mặt tại các khu vực giao thông nguy cơ ngập cao, hướng dẫn phương tiện lưu thông theo hướng thuận lợi nhất, tránh việc ùn ứ, gây ách tắc kéo dài. (Ảnh TS)
Mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại Đà Nẵng -2
Người dân quận Hải Châu, Đà Nẵng đội mưa khơi thông cống thoát nước tại nhiều tuyến đường ngập sâu do mưa lớn.

Hiện Đà Nẵng có nguy cơ xảy ra ngập úng trên các tuyến đường và khu vực thấp trũng, đặc biệt là các phường có nguy cơ cao như: phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, An Hải Bắc, Phước Mỹ, An Hải Đông (quận Sơn Trà); Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây Hòa Khê, An Khê, Tam Thuận, Chính Gián, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Tân Chính (quận Thanh Khê); Thuận Phước, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh, Bình Hiên, Nam Dương, Thanh Bình, Thạch Thang, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); Hòa Phát, Hòa An, Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).

Độ sâu ngập lớn nhất từ 0,05-0,3m, có nơi sâu hơn. Tình trạng ngập xảy ra tại các khu vực, tuyến đường thấp trũng gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, làm hư hỏng đến các công trình, tài sản của người dân, các hoạt động kinh tế- xã hội. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc.  Nguy cơ cao tác động đến khu dân cư, các cơ sở hạ tầng ở những vùng có độ dốc lớn, sông suối hẹp.

Để chủ động triển khai công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa bão, chính quyền thành phố đã đưa ra cảnh báo 38 điểm nguy cơ ngập lụt. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp ứng phó, kiểm đếm tàu thuyền, rà soát việc nạo vét cống rãnh. Đến chiều ngày 17/9, tổng tàu thuyền neo đậu tại các bến của thành phố là 1.091 phương tiện/7.801 lao động, đang hoạt động trên biển là 68 phương tiện/515 lao động.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng  đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo công tác thoát nước và chống ngập úng, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến. Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu xảy ra chậm trễ trong việc khơi thông, nạo vét cống thoát nước, dẫn đến ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa bão. Các cơ quan này phải chuẩn bị kỹ lưỡng và không được để xảy ra tình trạng bị động, gây thiệt hại về người và tài sản khi có  mưa bão xảy ra...

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 7h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc, 113,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9; hiện đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15km/giờ.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Đến 7h ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ vĩ bắc, 109,2 độ kinh đông và di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 20km/giờ; cách Quảng Trị khoảng 210km về phía đông đông nam, cách Đà Nẵng khoảng 120km về phía đông; sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 15 đến 19 (độ vĩ bắc), từ kinh tuyến 109 đến 115 (độ kinh đông).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và sau mạnh lên thành bão, vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10 (89-102km/giờ), sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động mạnh...

Trong ngày 18 và 19/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão, ở khu vực đất liền và vùng biển TP Đà Nẵng cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông kèm tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Từ chiều tối và đêm 18/9 đến ngày 19/9, vùng biển Đà Nẵng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, độ cao sóng 2-4m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Hoài Thu
.
.
.