Một mô hình điểm bảo tồn quần thể rạn san hô ở miền Trung

Thứ Ba, 22/11/2022, 20:01

Ngày 22/11, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu - chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) thuộc Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổng kết dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến" ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (Phú Yên).

Khu vực ven biển thuộc danh thắng quốc gia Hòn Yến ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) có hệ sinh thái rạn san hô rất đa dạng, phong phú với 17 loài, phân bố trên diện tích khoảng 12,71ha. Trước tháng 8/2020, khu vực này luôn bị tác động xấu bởi tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nguồn rác thải trong sinh hoạt của người dân địa phương, du lịch tự phát, chất thải từ các lồng bè thả nuôi tôm cá cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đã khiến cho hệ sinh thái, sinh vật biển ở đó suy giảm chất lượng, thậm chí nhiều rạn san hô bị hư hại.

     Một mô hình điểm bảo tồn quần thể rạn san hô ở Phú Yên -0
Rạn san hô khu vực biển Hòn Yến.  Ảnh: Dương Thanh Xuân.

Từ nguồn tài trợ kinh phí gần 3,2 tỷ đồng của GEF SGP, dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” đã được triển khai thực hiện trong hai năm (8/2020 – 9/2022). Kết quả cho thấy, dự án đã nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Từ dự án này, người dân địa phương được giao quyền quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến. 

Một tổ hợp tác được hình thành gồm19 thành viên và 20 tuyên truyền viên cộng đồng cùng với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị xã An Hòa Hải là những hạt nhân nòng cốt triển khai nhiều biện pháp cấp thiết. Đến nay, khu vực ven biển Hòn Yến không chỉ quản lý được rác thải nhựa, mà còn hình thành điểm đến hấp dẫn du khách với các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, huyện Tuy An đã xác lập 4 vùng chức năng với tổng diện tích gần 69ha để triển khai các biện pháp theo dõi, bảo vệ rạn san hô Hòn Yến gắn với hoạt động khai thác thủy sản hợp lý.

Điều phối viên quốc gia UNDP/GEF SGP – bà Nguyễn Thị Thu Huyền, cho rằng từ kết quả triển khai thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến”, có thể coi  Hòn Yến là mô hình điểm để các địa phương học tập kinh nghiệm và nhân rộng. “Trong tầm nhìn đến năm 2030, Hòn Yến sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ về nỗ lực của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rạn san hô, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Nơi đây sẽ là điểm du lịch học tập trong nước và quốc tế về mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ hệ sinh thái san hô” – Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.

Theo TS Hoàng Thị Thùy Dương - Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, muốn bảo tồn được rạn san hô Hòn Yến cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng và người dân ven biển. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến”. Kết quả này có giá trị về khoa học và thực tiễn, đúc kết được một số kinh nghiệm cần thiết để tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 hiệu quả cao hơn, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Tại hội nghị tổng kết, ông Lê Tấn Hổ – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên đã trao đổi, đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện dự án, đồng thời đề nghị GEF SGP tạo điều kiện hỗ trợ dự án tiếp tục để góp phần phát triển sinh kế cho người dân địa phương cùng các hoạt động du lịch cộng đồng bền vững và bảo vệ hiệu quả hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến.

Hữu Toàn
.
.
.