Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2023)

Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND

Thứ Hai, 30/10/2023, 06:25

Ra đời sau Cách mạng Tháng Tám chỉ hơn một năm (1/11/1946), Báo CAND (tiền thân là Báo Công an mới) là một trong những tờ báo có thâm niên trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Gần 8 thập kỷ qua, các thế hệ làm Báo CAND luôn đồng hành, phục vụ hiệu quả sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước…

Quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của tờ báo, có sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an qua các thời kỳ. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, yêu nghề và say nghề báo của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên Báo CAND qua các thời kỳ.

387556386_664104765865254_682909206445409678_n.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (giữa), một số nhà báo Báo CAND và bạn đọc. Ảnh chụp sáng 29/10/2023

Trong số họ, có những người lúc khởi đầu đang hoặc sẽ làm công tác nghiệp vụ, có nhiều cơ hội phát triển, nhưng vì mối lương duyên với nghề viết mà họ trở thành thành viên chính thức của Báo CAND, như các nhà báo Chu Phùng, Đặng Đình Thành, Lưu Vinh, Phạm Văn Miên, Đặng Văn Lân, Nguyễn Hồng Thái…

Cũng có người đang công tác ở báo khác, hoặc các đơn vị có liên quan đến nghề viết nhưng đã “thiên di” về Báo CAND như các nhà báo Ngôn Vĩnh, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Hồng Thanh Quang, Phạm Khải,…

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, xin được chắp nhặt vài kỷ niệm của một số nhà báo, cây viết gắn bó đã lâu hoặc mới “bén duyên” Báo CAND. Với tình cảm và mối lương duyên, họ dù là người của Báo CAND hoặc chỉ là cộng tác viên, nhưng đã góp phần làm cho tờ báo thêm sinh động, trí tuệ, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả và góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh của tờ báo.

1.Đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là một cộng tác viên có thâm niên của Báo CAND. Mới đây khi trà đàm với anh em Báo CAND tại hội quán cafe thân quen, Nguyễn Quang Thiều bồi hồi kể: “Tôi vẫn giữ được tấm thẻ Thông tin viên do Báo CAND cấp hơn 40 năm về trước. Để hôm nào tôi tìm lại, chụp ảnh gửi cho các ông”…

Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một cộng tác viên thân thiết, gắn bó với Báo CAND hơn 40 năm qua.

Nguyễn Quang Thiều từng kể về “tác dụng” của tấm thẻ này: “Hồi đó những người tích cực cộng tác với Báo CAND thì được cấp một cái thẻ gọi là thẻ “Thông tin viên”. Thẻ màu đỏ có hình cây bút. Lúc nào tôi cũng để tấm thẻ ấy trong túi áo. Thú thực, tôi không dùng tấm thẻ ấy làm việc gì mà chỉ để khoe với bạn bè và… mua vé ôtô. Thời ấy, xe khách vô cùng hiếm hoi. Để mua được một chiếc vé xe khách không dễ dàng chút nào. Người ta phải xếp hàng, chen lấn và mua vé chui. Có một lần, sợ lỡ chuyến xe thì hỏng việc, tôi cứ liều đưa cái thẻ ấy ra, thế là người ta bán ngay vé cho tôi. Hồi ấy, tôi yêu một cô gái người ở Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Mỗi dịp vào thăm người yêu, tôi đi tàu chợ từ Hà Nội vào Thanh Hóa và mua vé đi Hoằng Hóa. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe sớm và một chuyến cuối chiều từ thị xã Thanh Hóa đi Hoằng Hóa; đương nhiên, tấm thẻ Thông tin viên của Báo CAND rất đắc dụng lúc này”…

Tác phẩm đầu tiên Nguyễn Quang Thiều được đăng trên Báo CAND là một bài thơ, có cái tên rất thơ mộng: “Tháng Giêng và em”, in đầu năm 1979. Đến truyện vụ án đầu tiên của ông đăng trên Báo CAND cũng có một cái tên rất nên thơ: “Mùa chim làm tổ”. Có một thời gian, hầu như tháng nào ông cũng viết một truyện vụ án cho Báo CAND. Sau này, Nguyễn Quang Thiều là người có vai trò rất quan trọng góp phần làm cho ấn phẩm An ninh Thế giới trở nên nổi tiếng và đi vào lòng bạn đọc. Hiện nay, ông vẫn cộng tác khá đều với Báo CAND, chủ yếu ở ấn phẩm An ninh thế giới cuối tháng; bài viết gần đây nhất của ông là “Văn hóa và sự sống còn của một dân tộc”, đăng số cuối tháng 8/2023.

2.Nhà báo Nguyễn Như Phong, cựu Phó Tổng Biên tập Báo CAND xuất thân từ lính công binh. Có khiếu văn chương và duyên nghề báo, ông trở thành phóng viên Báo Công binh, rồi chuyển ngành về Báo CAND đúng 40 năm trước (1983). Trong những năm công tác ở Báo CAND, từ lúc làm phóng viên “quèn” tới khi lên đến Phó Tổng Biên tập của tờ báo, ông luôn là một cây viết theo đúng nghĩa, chịu khó đi và bền bỉ cày cuốc trên cánh đồng chữ.

Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND -0
Ở tuổi 70, nhà báo Nguyễn Như Phong vẫn xông xáo đi và viết.

Nhớ lại những bước chập chững đầu tiên khi gắn bó với Báo CAND, Nguyễn Như Phong từng bộc bạch với tôi: “Lúc đó tao đã có bằng cấp gì đâu, trong khi anh em phóng viên khác đều tuyển từ Đại học An ninh (C500) hoặc Đại học Tổng hợp. Tao biết thân biết phận nên tự răn mình, chỉ có cách đi và viết, viết nhiều, viết khỏe và hay… để tồn tại và trưởng thành”. Nguyễn Như Phong đã nỗ lực theo phương châm ấy.

Bền bỉ đi và viết, Nguyễn Như Phong đã gom góp được một “gia tài” đồ sộ cả về báo chí và văn chương. Đến nay, có lẽ ông vẫn là một trong những nhà báo của Báo CAND đoạt nhiều giải Báo chí toàn quốc - Giải Báo chí quốc gia nhất. Tuy nghỉ hưu ở Báo CAND đã hơn 10 năm, song Nguyễn Như Phong vẫn đều đặn có những bài “gai góc” trên các ấn phẩm của Báo CAND. Bài viết mới đây nhất của ông là “Cuộc sống phong phú, tại sao văn học tẻ nhạt?”, đăng trên chuyên đề An ninh thế giới giữa tháng 9/2023.

3.So với 2 “cây đa, cây đề” ở trên, thì các cộng tác viên của Báo CAND thuộc thế hệ 9X đương nhiên còn “non” lắm; song họ cũng có mối lương duyên với tờ báo của lực lượng Công an.

Lê Cao Thiên là cựu sinh viên Học viện ANND, tốt nghiệp năm 2021. Ra trường, Thiên nhận công tác tại Công an huyện Thuận Châu (Sơn La). Có khiếu viết lách, hoạt ngôn, sau một thời gian, Trung úy Lê Cao Thiên dần trở thành cộng tác viên tích cực của Báo CAND và được điều về Phòng công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Sơn La, làm công tác tuyên truyền. Tại môi trường mới, Thiên đã nỗ lực để trở thành một MC chuyên mục Vì an ninh Tổ quốc của ANTV địa phương, vừa là một cây viết xông xáo.

Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND -0
Trung úy Lê Cao Thiên trở thành cộng tác viên thân thiết của Báo CAND từ niềm say mê con chữ.

Nhớ về cái duyên đến với Báo CAND, Lê Cao Thiên kể: “Lần đầu tiên em được tiếp xúc với Báo CAND vào đúng kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2016), và cũng là dịp Báo ANTG và VNCA “tròn 20 tuổi”. Khi đó em đang là sinh viên, đọc và yêu mến các ấn phẩm của Báo CAND, em đã nghĩ biết đâu một ngày đẹp trời mình sẽ trở thành phóng viên của Báo hoặc trở thành một cộng tác viên tích cực”...

Từ suy nghĩ đó, Lê Cao Thiên luôn ý thức việc cộng tác với Báo CAND. Thiên tâm sự: “Em được các anh chị ở Báo CAND quan tâm hướng dẫn, gợi ý đề tài… Có lẽ những người vất vả nhất với em là nhà báo Anh Hiếu, Phó trưởng ban Thời sự hay nhà báo Việt Hà, Phó trưởng ban Chuyên đề, đã tận tình hướng dẫn em lấy tài liệu, cấu tạo, thể hiện tác phẩm và động viên để em tiến bộ”. Một trong những tác phẩm mới nhất của Lê Cao Thiên trên Báo CAND là loạt bài ấn tượng 3 kỳ “Mái ấm Công an tiếp sức trẻ em nghèo vượt khó”, đăng đầu tháng 10/2023.

4.Cũng như Lê Cao Thiên, Thượng úy Vũ Văn Tặng là cộng tác viên của Báo CAND, công tác ở Đội CSGTTT Công an TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tặng thường xuyên xem các ấn phẩm của Báo CAND, vừa cập nhật thông tin phục vụ yêu cầu công việc, vừa tập tọe viết tin, bài cộng tác với Báo. Nhớ về kỷ niệm đến với Báo CAND, Tặng kể: “Sau nhiều lần gửi tin bài đều không được đăng, em tìm và gọi theo số máy đường dây nóng của Báo CAND.

Mối lương duyên với tờ báo của lực lượng CAND -0
Thượng úy Vũ Văn Tặng trưởng thành từ những bài viết, truyện ngắn đăng trên các ấn phẩm Báo CAND.

Em nhớ như in khoảnh khắc đó, người bắt máy là nhà báo Trần Duy Hiển, lúc đó là Trưởng ban điện tử (hiện là Phó Tổng Biên tập) vui vẻ hướng dẫn, đọc email địa chỉ cá nhân để em gửi bài; vì anh Hiển nói email chung mỗi ngày có tới hàng chục tin bài, ý kiến của cộng tác viên, bạn đọc gửi. Gửi bài lần 1 không thấy hồi âm, em tiếp tục gọi điện hỏi lý do và được anh Hiển hướng dẫn chỉnh sửa. Sau đó, anh Hiển trực tiếp biên tập, trau chuốt và bài viết đầu tiên của em được đăng trên Báo CAND số ra ngày 27/6/2021. Đó là bài “Cán bộ Đoàn nhiệt huyết và ước nguyện “gieo sắc nắng”…

Niềm vui đó như một cú hích giúp Tặng tích cực cộng tác với Báo CAND. Qua mỗi bài viết, Tặng thêm trưởng thành, học hỏi được nhiều kinh nghiệm… Đến truyện ngắn đầu tiên “Bên bến sông” đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an số đầu tháng 9/2021, thì Tặng thêm đam mê với nghề viết. Từ sự cộng tác với Báo CAND, Vũ Văn Tặng có thêm nhiều tác phẩm thơ, truyện đăng ở một số báo. Mới đây nhất, Vũ Văn Tặng giành giải ba Cuộc thi viết “Ký ức Hà Nội” do báo điện tử Dân Việt tổ chức với tác phẩm: “Món nợ ân tình với bà chủ nhà trọ Đê La Thành”, vừa trao giải tháng 10/2023…

Mỗi người mỗi vẻ, song các nhà báo, văn nghệ sỹ, cộng tác viên của Báo CAND đều có căn duyên để gắn bó với tờ báo của lực lượng CAND. Cuộc sống không ngừng vận động, phát triển và tờ Báo cũng luôn cần sự đổi mới, theo kịp nhiệm vụ và nhu cầu của độc giả. Trong hành trình đó, tin tưởng rằng Báo CAND sẽ luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, cộng tác của các đồng chí lãnh đạo, bạn đọc và cộng tác viên. Đó là chữ “Duyên” tạo ra những tiền đề thành công của một tờ Báo.

Trần Duy Hiển
.
.
.