Mô hình bệnh viện dã chiến đa tầng, giảm tử vong cần được nhân rộng

Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:39

Trong đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược điều trị, đó là đưa vào triển khai mô hình “tháp điều trị 3 tầng”, trong đó tầng 1 dành cho bệnh nhân nhẹ, tầng 2 bệnh nhân vừa, tầng 3 dành cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. Chiến lược phân tầng điều trị đã đáp ứng được số lượng bệnh nhân gia tăng, kịp thời cứu chữa các ca bệnh nặng, nguy kịch để giảm tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình – bệnh viện gồm cả 3 tầng điều trị - bệnh nhân chỉ cần nhập viện một nơi, không cần chuyển tuyến, mang lại hiệu quả cao trong việc cứu ca bệnh nặng.

đa tầng dã chiến 1-2 (1).jpg -0
Các bác sĩ làm chủ kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình.

Tại TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 có đủ 3 tầng theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng”, mang lại nhiều thuận lợi trong việc xử lý nhanh nhất các ca có diễn biến trở nặng. Đồng thời cơ sở đó cũng tối ưu hoá được nhân lực, trang thiết bị để chăm sóc, điều trị F0 được tốt nhất.

Bộ Y tế cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế) đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh thiết lập Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng (Bệnh viện Dã chiến đa tầng) tại quận Tân Bình.

Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình có quy mô 1.000 giường tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, được đưa vào hoạt động từ ngày 18/8. Trong 1.000 giường có 50 giường hồi sức, 150 giường bệnh nhân nặng, 500 giường bệnh nhân trung bình, 300 giường bệnh nhân nhẹ. Theo đánh giá của Bộ Y tế, đến nay, việc phối hợp điều trị giữa các tầng thực hiện nhịp nhàng, thuận tiện, thể hiện rõ hiệu quả.

Theo PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình được xây dựng từ thực tế thu dung, điều trị F0 tại quận Tân Bình, kết hợp sức mạnh nhân lực, trang thiết bị y tế của Trung tâm Y tế Tân Bình, Bệnh viện Tân Bình và Bệnh viện Thống Nhất.

Bên cạnh đó, chính quyền quận và Bệnh viện Thống Nhất còn vận động các doanh nghiệp tài trợ thêm trang thiết bị máy móc hiện đại đảm bảo đủ cho quá trình điều trị bệnh nhân. Tuy là bệnh viện dã chiến nhưng có cả máy lọc máu và hệ thống oxy trung tâm.

Ưu điểm của Bệnh viện Dã chiến đa tầng là không phải chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch đến các trung tâm hồi sức khác, tiết kiệm được “thời gian vàng” cứu chữa người bệnh nguy kịch.

BS Phan Văn Chính, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm y tế quận Tân Bình chia sẻ: F0 đưa vào chăm sóc ở tầng 1 là người cao tuổi, có bệnh nền nhiều, sống trong nhà trọ chật hẹp hoặc ở cùng đại gia đình đông người không đảm bảo việc tự cách ly, điều trị tại nhà.

Tất cả bệnh nhân vào sẽ được y, bác sĩ lọc bệnh và tư vấn gói thuốc phù hợp nhất. Hàng ngày họ được sử dụng thuốc từ các gói A, B. Nếu F0 ở tầng này có dấu hiệu trở nặng, lập tức được đưa ngay sang tầng 2 để điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện. Nếu nặng hơn nữa thì chuyển tiếp lên tầng 3. Khi nhẹ lại quay về tầng 1.

Theo khẳng định của BS Đặng Quốc Nghiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Bình, người được phân công tham gia chỉ đạo điều trị tầng 2, thì mô hình này quá hiệu quả bởi kịp thời ngăn chặn được phần lớn số ca tử vong. Nếu như trước kia Trung tâm Y tế quận Tân Bình và Bệnh viện Tân Bình hay có bệnh nhân COVID-19 tử vong vì khi nguy kịch không kịp đưa tới cơ sở điều trị ở tầng 3 thì hiện nay hầu như đã hạn chế được tối đa bệnh nhân tử vong. Ở tầng 2 trung bình có 300 ca bệnh thì mỗi ngày chỉ phải chuyển lên tầng 3 khoảng 4 ca nặng. Hiệu quả nổi trội của mô hình này đem lại lợi ích to lớn, giành giật sự sống cho rất nhiều người.

Theo BSCKII Hồ Hữu Đức, Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, 3 tầng kết hợp trong một bệnh viện dã chiến giúp các bác sĩ tận dụng được nguồn lực rất đa dạng. Khi có một bệnh nhân chuyển nặng có thể hội chẩn và chuyển tầng an toàn ngay lập tức.

Việc xử lý ngay như vậy giảm tỷ lệ tử vong, từ gần 5% xuống còn gần 3%. Việc chuyển tuyến từ bệnh viện này đi nơi khác hầu như không còn nữa. Mô hình bệnh viện dã chiến đa tầng trong đợt dịch thứ 4 cần được triển khai nhân rộng tại nhiều địa bàn khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.

Vũ Thị Diệp (Học viện CSND)
.
.
.