Mầm họa từ việc dùng kích điện bắt giun đất

Thứ Bảy, 12/08/2023, 15:43

Với giá bán gần 50.000đ/1kg, giun đất đang bị người dân truy lùng, săn bắt bán cho các “đầu nậu”. Tình trạng này đã xuất hiện lâu nay trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt, giun đất tạo lỗ thông làm cho nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, là nguồn dự trữ nước cho cây sinh trưởng, tạo nên nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, phát triển kinh tế cho con người. Thế nhưng, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người đã sử dụng kích điện, xung điện săn bắt giun đất bán kiếm lời.

Cảnh báo tình trạng sử dụng kích điện săn bắt giun đất -0
Công an thị trấn Thường Xuân thu giữ nhiều kích điện sử dụng bắt giun.

Theo phản ánh, tại các xã Ái Thượng, Điền Quang (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), xuất hiện tình trạng săn bắt giun đất bằng kích điện rộ lên từ đầu năm 2023. Theo đó, người dân kéo nhau vào trong những cánh rừng nguyên sinh, nơi ít người qua lại dùng kích điện săn bắt giun đất. Thời gian săn bắt từ 6h sáng đến khoảng 14h, sau đó giun được đưa về nhập cho “đầu nậu”.

Cách thức để bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2 m2 các loại giun to nhỏ dần ngoi lên, quằn quại, giãy giụa trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10 kg giun tươi, thậm chí nhiều hơn.

Cảnh báo tình trạng sử dụng kích điện săn bắt giun đất -0
Sau 4 giờ sấy liên tục, 13kg giun tươi sẽ cho ra 1kg giun khô.

Qua khảo sát, giun đất tươi được các “đầu nậu” thu mua với giá 45.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, để thu hút người săn bắt giun đất, một số “đầu nậu” còn chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá 32.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác giun đang xuất hiện nhiều ở các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thường Xuân… Đây là các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích đất tự nhiên khá rộng, điều kiện sống của người dân đang khó khăn, các “đầu nậu” dễ thuê nhân công đi săn bắt giun đất.

Được biết, giun sau khi thu mua sẽ được các chủ lò sấy thuê nhân công sẻ bụng, xếp thành lớp rồi đưa đi sấy khô; mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. Mỗi kg giun khô được các “đầu nậu” bán với giá 715.000 đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm.

Cảnh báo tình trạng sử dụng kích điện săn bắt giun đất -0
Giun khô được bán với giá hơn 700.000đ/kg.

Trước thực trạng tận diệt giun đất, Công an huyện Thường Xuân đã tổ chức nắm tình hình, xử lý các trường hợp săn bắt, thu gom, chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong các khu dân cư. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn có tình trạng săn bắt giun, kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp thương lái thu gom giun đất, xưởng chế biến giun trên địa bàn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình, ngày 16/7/2023, Công an thị trấn Thường Xuân phát hiện 7 người dân đang săn bắt giun đất trên núi Bù Xèo thuộc địa phận khu phố Chung Chính và khu phố Tiến Sơn 1, thu giữ 7 bộ kích điện. Những người này đã được lực lượng Công an tuyên truyền và ký cam kết không tái phạm.

Trung tá Vi Ngọc Tú, Phó Trưởng Công an thị trấn Thường Xuân cho hay, hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một số người vẫn tận diệt giun đất bằng kích điện, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Trần Thắng
.
.
.