Lao động bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài vẫn phức tạp

Thứ Hai, 04/12/2023, 09:29

Lao động cư trú bất hợp pháp thuộc diện đi theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) có dấu hiệu tăng trở lại. Đây là thông tin được ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết tại một hội nghị thúc đẩy đưa lao động ra nước ngoài làm việc do đơn vị này vừa tổ chức.

Đáng chú ý, những năm trước đây, các huyện phải dừng tuyển chọn chủ yếu ở Bắc Trung Bộ thì đến nay, nhiều tỉnh, thành phía Bắc cũng có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao hơn bình quân. Câu chuyện lao động bỏ trốn khi ra nước ngoài làm việc vẫn là căn bệnh chưa tìm được thuốc đặc trị.

Tỷ lệ bỏ trốn vẫn cao

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước, trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước của một số địa phương trọng điểm của khu vực miền Bắc (như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn) cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%). Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, tính tới thời điểm tháng 10/2023, có trên 36.000 lao động EPS (bao gồm trên 10.000 lao động cư trú trái phép) đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc.

Ngoài Hàn Quốc, từ năm 2020 đến năm 2023, dịch bệnh COVID-19 dẫn đến một số lượng lớn lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước nên bỏ trốn để tiếp tục làm việc tại Đài Loan và Nhật Bản. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%. Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với 41.044/697.702 người. Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26%. Thị trường Đài Loan có 24.000/256.576 người, chiếm tỷ lệ 9%. Tại Nhật Bản cũng có gần 4.800 thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn.

Tại thị trường các nước thuộc Trung Đông - châu Phi có hơn 1.300 người lao động bỏ trốn trong tổng số hơn 9.400 lao động đang làm việc, cao nhất là tại Ảrập Xê-út, với 1.000 lao động; các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất có 300 người. Số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước châu Âu gần 600 người. Riêng thị trường châu Mỹ, hiện chưa ghi nhận lao động trốn ở lại bất hợp pháp.

Lao động bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài vẫn phức tạp -0
Xây dựng chính sách hỗ trợ việc làm, người lao động sẽ yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng.

Cần chính sách việc làm cho lao động về nước

Có rất nhiều quy định để tránh lao động bỏ trốn như khi lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS như phải ký quỹ 100 triệu đồng, nếu bỏ trốn sẽ bị cấm nhập cảnh trở lại… Cùng với đó, bỏ trốn ra ngoài làm việc sẽ phải đối mặt với nhiều quy định khắt khe của nước sở tại. Thế nhưng, câu chuyện lao động bỏ trốn vẫn diễn biến phức tạp nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc cần có các quy định xử phạt đủ sức răn đe thì để giảm số lượng lao động bỏ trốn hiện nay rất cần có các chính sách việc làm khi lao động hết hợp đồng về nước. Đây sẽ là giải pháp tốt bởi khi hết hợp đồng, người lao động sẽ yên tâm về nước khi có thể tìm được việc làm phù hợp.

Minh chứng này thể hiện khá rõ tại phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước theo chương trình EPS và IM Japan vừa được Trung tâm Lao động ngoài nước và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 30/11. Tại hội chợ việc làm này có sự tham gia của 47 đơn vị, doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.568 chỉ tiêu. Đặc biệt, 16 đơn vị có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tuyển dụng ở các vị trí, với các mức lương hấp dẫn. Sau phỏng vấn, nhiều lao động đã tìm được việc làm tại phiên giao dịch với mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng, thậm chí không ít lao động còn tìm được việc làm với mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên ở vị trí quản lý, kinh doanh, biên dịch-phiên dịch, kỹ sư, giám sát.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, những năm qua, thành phố đã có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam chỉ ra thực tế vẫn còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình sau khi về nước.

"Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng. Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này có tay nghề cao, có kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được. Do đó, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải được tận dụng hiệu quả", ông Nam đánh giá. Cần có chính sách tạo việc làm cho lao động về nước cũng là ý kiến của Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình.

Ông Bình cho rằng, về bản chất không người lao động nào muốn trốn ra ngoài để trở thành lao động "chui". Bất đắc dĩ có thể do các nguyên nhân áp lực về kiếm tiền, lo lắng khi không tìm được việc làm khi về nước nên họ mới làm vậy. "Đang làm việc ở nước ngoài, người lao động có công việc ổn định, thu nhập cao. Thế nhưng thực tế cũng đã cho thấy, khi về Việt Nam không ít người đã rơi vào cảnh không biết làm ở đâu. Do đó, nhiều lao động chỉ chấp nhận về nước vì hết hạn hợp đồng, người lo ngại thì sẽ trốn ra ngoài làm "chui" để kiếm thêm thu nhập. Do đó, hỗ trợ việc làm cho các trường hợp này không chỉ khai thác được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn giúp cho người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản có thể yên tâm về nước đúng hạn, không trở thành lao động bất hợp pháp", ông Bình phân tích và cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, thương lượng với các thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Người lao động sẽ không còn tâm lý trốn ra ngoài để làm việc bất hợp pháp.

Phan Hoạt
.
.
.