Làm du lịch từ sản xuất nông nghiệp
Du lịch canh nông ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang ngày càng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch đã góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị và chất lượng các loại sản phẩm rau, hoa của Đà Lạt.
Từ năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung vào những mô hình tại TP Đà Lạt, vốn có thế mạnh đặc biệt về du lịch. Hàng loạt điểm sản xuất nông nghiệp (rau và hoa) ứng dụng công nghệ cao đã khẩn trương xây dựng các mô hình du lịch canh nông, mở cửa chào đón du khách tới tham quan. Sức hấp dẫn của loại hình du lịch này là du khách không chỉ được “mắt thấy, tay sờ” các sản phẩm nông nghiệp, vốn hằng ngày vẫn sử dụng làm thực phẩm hoặc trang trí trong gia đình mà còn được tìm hiểu về quy trình sản xuất ra những sản phẩm đó trong môi trường ứng dụng công nghệ tự động, hiện đại.
Để thu hút được đông đảo du khách tới tham quan, chủ cơ sở phải liên tục cải tiến công nghệ sản xuất, cập nhật, thay đổi các giống rau, hoa mới, từ đó góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài doanh thu từ bán vé cho khách vào tham quan, chủ các cơ sở kinh doanh điểm du lịch canh nông còn bán trực tiếp sản phẩm cho khách. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị, thu nhập của các cơ sở sản xuất nông nghiệp, giải quyết thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Do cây trồng liên tục được thay đổi theo mùa vụ, giống mới, nên các điểm du lịch canh nông không có cảm giác nhàm chán mà luôn tạo được sự mới lạ, hấp dẫn du khách khi tới tham quan.
Theo chủ một điểm du lịch canh nông ở Đà Lạt, từ khi triển khai mô hình du lịch canh nông, hằng ngày cơ sở của gia đình anh không chỉ thu được “tiền tươi thóc thật” từ việc bán vé cho du khách vào tham quan mà đầu ra sản phẩm cũng không còn phải lo lắng và bấp bênh như trước đây. Thậm chí, vào một số thời điểm trong năm, sản phẩm làm ra, nhất là các loại đặc sản như dâu tây, atiso… không đủ để cung cấp cho du khách tới tham quan rồi mua sản phẩm ngay tại trang trại. Theo chủ điểm du lịch canh nông này, khi kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bán vé cho du khách vào tham quan, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên ít nhất gấp 3 lần so với cáchlàm truyền thống, tức sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Số tiền thu về từ việc bán vé được chủ cơ sở tiếp tục đầu tư, thường xuyên thay đổi cây trồng, cập nhật, bổ sung những giống rau, hoa mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông ở Lâm Đồng đạt khoảng 377 tỷ đồng với diện tích triển khai hơn 300ha. Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch cũng đã góp phần nâng tầm nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng, trở thành kênh giới thiệu, quảng bá các loại rau, hoa và nông sản khác của Lâm Đồng đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Vân, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các công trình… Bên cạnh đó, đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách tại các điểm du lịch canh nông ở Lâm Đồng hiện nay đều do chủ vườn sắp xếp người thuyết minh, hướng dẫn. Phần lớn họ là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, kiêm thêm công việc của người hướng dẫn viên. Đội ngũ này tuy kiến thức nông nghiệp vững vàng nhưng kỹ năng thuyết minh, giới thiệu sản phẩm cho du khách còn thiếu và yếu, chưa tạo được sự hấp dẫn cho người tới tham quan.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, quá trình thực hiện đề án về du lịch canh nông, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc về đầu tư, xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Một số tiêu chí công nhận điểm du lịch canh nông còn chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình đầu tư và tổ chức hoạt động. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải có thời gian để tiếp tục rà soát những điểm du lịch canh nông đã được công nhận, hướng dẫn các đơn vị bổ sung, hoàn thiện về cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực… Đồng thời, khuyến khích các đơn vị kinh doanh về du lịch canh nông đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực quản lý, nhân lực có trình độ chuyên môn.
Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút phát triển du lịch canh nông, đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, huy động các nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển mô hình du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp.