Lại nóng chuyện “vá áo” hay thay mới cầu Long Biên

Thứ Năm, 09/06/2022, 08:49

Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1902. Đây là công trình nổi tiếng thế giới khi được xây dựng, đưa vào khai thác với lối thiết kế hiện đại, phục vụ đi lại cho cả phương tiện cơ giới và người đi bộ.

Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Trải qua 120 năm, cầu Long Biên lại được nhìn nhận như một “chiếc áo vá”, cũ kỹ, xuống cấp. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp đến ATGT.

Trước tình trạng này, cũng có ý kiến cho rằng, nên bỏ hoàn toàn cây cầu Long Biên, để xây một cây cầu mới. Song theo các chuyên gia giao thông và nhà nghiên cứu lịch sử thì cần đầu tư bảo tồn nâng cấp, đảm bảo mục tiêu sử dụng chứ không thể bỏ hoàn toàn.

Cây cầu là di sản hết sức quý giá

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Ứng xử thế nào với cầu Long Biên” diễn ra ngày 8/6, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Viêt Nam cho hay, hơn 70 năm ông đã nhìn cây cầu và chứng kiến cây cầu qua nhiều thời khắc lịch sử. Nhiều năm chúng ta bảo vệ cây cầu như mạch máu Thủ đô, là di sản hết sức quý giá. Mỗi ngày vẫn nhìn thấy những người thợ sửa chữa, những đoàn tàu chạy an toàn. Nhưng rõ ràng, cầu Long Biên đang xuống cấp và ở thời kỳ lưỡng lự, chưa biết ứng xử lâu dài thế nào. Do đó, chúng ta cố gắng gìn giữ nó như một cây cầu đúng nghĩa là đảm bảo giao thông hai bên bờ sông. Nên tính toán phân luồng hợp lý để người dân hai bên đầu cầu đi lại phù hợp.

Thừa nhận cầu Long Biên có giá trị về mặt giao thông, thẩm mỹ và văn hoá, thời gian qua cầu đang chịu sự “quá sức” của mình, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải, ông Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ: Hiện cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng và sử dụng cho đến bây giờ. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng với 3 tuyến đường sắt huyết mạch của phía Bắc chạy hằng ngày. Là đơn vị duy tu, với 50 cán bộ nhân viên, chia làm 5 tổ (tuần cầu, bảo vệ cầu, duy tu bảo trì), đơn vị chỉ biết làm hết sức mình.

Trong khi đó, cầu có các nhịp kết cấu thép bắt đầu han gỉ, bị ăn mòn, đang trong tình trạng quá tải. Về nguồn kinh phí duy tu, đại diện Công ty Đường sắt Hà Hải cho hay, hằng năm đơn vị được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng nguồn kinh phí duy tu bảo trì. Gần đây được quan tâm nên số tiền năm sau có cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 là 8,3 tỷ, năm 2022 là 9,7 tỷ. Với lượng kinh phí như vậy, việc thực hiện duy tu bảo trì được thực hiện thông qua việc vá víu ổ gà, thay tấm đan… song chỉ đạt 30-45% nhu cầu thực tế.

Nói thêm về công tác bảo trì, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin thêm: Sau khi liên tiếp xảy ra sự cố vào tháng 5/2022, Bộ GTVT đã cho rà soát hư hỏng trên cầu và khẩn trương xử lý, đồng thời giao cho Công ty Đường sắt Hà Hải rà soát tổng thể, sau đó lên kế hoạch sửa chữa. “Trước mắt, chúng tôi đã ưu tiên nguồn vốn để sửa chữa ngay cầu đường bộ phục vụ người dân”, ông Điệp nhấn mạnh.

2.jpg -0
Nhiều ý kiến cho rằng nên xây cầu mới thay thế cầu Long Biên cũ.

Vẫn đảm bảo mức độ an toàn trong giới hạn cho phép

Nhắc đến mức độ an toàn với tuyến đường sắt qua cầu mỗi ngày, ông Bùi Khắc Điệp cho biết, việc rung do kết cấu thép, là chuyện bình thường trong giới hạn cho phép. Hiện cơ quan quản lý đã cho giảm tốc độ qua cầu đối với các đoàn tàu. Các nhịp cầu đã bị phá hoạt từ hồi chiến tranh, khi khắc phục chỉ làm được tạm thời song an toàn nằm trong giới hạn cho phép. Về lâu dài cần giải pháp sửa chữa tổng thể, chứ không chắp vá. Trước câu hỏi việc sử dụng mang lại nhiều nguy cơ, chúng ta có nên có giải pháp nào mạnh hơn trước mắt?

Thẳng thắn trả lời, ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay, cầu Long Biên hiện là cầu yếu, hai bên đầu cầu đã được cắm biển cấm phương tiện quá tải. Tuy nhiên, qua theo dõi, lượng xe máy thồ qua cầu từ 14-20h, có khoảng 150 xe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan đã gửi thông tin tới các cơ quan chức năng để xử lý xe cố tình đi qua cầu; đồng thời lắp thêm 3 camera để theo dõi mức độ an toàn cũng như xem xét việc người dân đi xe qua tải cố tình qua cầu. “Hằng ngày, Công ty Đường sắt Hà Hải sẽ trích xuất gửi hình ảnh vi phạm tới cơ quan Công an để họ phối hợp xử lý nghiêm...”, ông Vượng bày tỏ.

Về vấn đề cấm người đi bộ, xe thô sơ chở hàng nặng, xe ba gác, ôtô qua cầu, ông Điệp cho hay, trước kia cầu Long Biên chỉ có đường sắt, sau nối thêm 2 cánh gà để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Giờ cầu chỉ cho phép xe thô sơ và xe máy đi qua. Tuy nhiên, người dân vẫn đi bộ vào trong cầu, tập trung số lượng lớn, nguy cơ mất an toàn cao. Hiện tại, còn có cả trường hợp đi xe máy vào phần đường bộ hành. Một số bất cập khác, cấm họp chợ nhưng người dân vẫn bán. Dù CSGT cũng từng ra quân, xử lý được một thời gian rồi lại tụ tập. Cần có tuyên truyền và xử phạt răn đe. Có thể do điều kiện mỗi giai đoạn khác nhau, trước người dân có thể đi bộ được, nhưng hiện nay thì đã cắm biển cấm người đi bộ.

Đứng về phía cơ quan quản lý hạ tầng giao thông của Hà Nội, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội khuyến cáo, nên xem xét lại việc cắm trụ cầu phía hai đầu cầu. Ông Hải cho rằng, nên nâng cao việc tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của cây cầu; tăng cường công tác tuần tra xử lý răn đe các trường hợp cố tình vi phạm. Còn thực tế, tiết diện lên cầu bé, nên nghiên cứu xem có phù hợp với việc đặt trụ không. Việc này như cưỡng bức, trừ trường hợp bất khả kháng mới nên áp dụng. “Còn có ý kiến cho rằng cầu xuống cấp quá thì nên bỏ, song tôi nghĩ cầu này chắc chắn phải để chứ không thể bỏ đi được”, ông Hải bày tỏ.

Về việc đảm bảo an toàn cho cây cầu, khi mà chưa nắm được thời gian thi công cây cầu mới, ông Bùi Khắc Điệp cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ trùng với tuyến quốc gia, đi qua và giảm tải cho cầu Long Biên. Trong khi chờ cây cầu mới này, Bộ đã giao cho Tổng Công ty Kiểm định cầu Long Biên để bố trí vốn sửa chữa tổng thể. Trong năm 2022, sẽ cho tiến hành cầu đường bộ. Các hạng mục khác sẽ tiến hành rà soát, đưa vào quy mô lâu dài.

Để đảm bảo cho cầu Long Biên hoạt động được, nên có công trình mới thay thế. Nên sớm đầu tư cầu mới, để bảo tồn cầu Long Biên. Nhằm đảm bảo về giao thông lâu dài, nên có dự án sửa chữa, nâng cấp. Nói đến việc dừng công năng của cầu Long Biên, ông Trần Đăng Hải khẳng định, hiện chúng ta đang nghiên cứu xem xét, chưa bàn đến việc dừng hay không.

Đặng Nhật
.
.
.