Kiến nghị Thủ tướng 4 giải pháp gia tăng hiệu quả mở cửa du lịch quốc tế

Thứ Bảy, 07/05/2022, 08:40

Sau gần 2 tháng kể từ khi có chủ trương mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp còn không ít khó khăn bao gồm một số rào cản kĩ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi.

Đó là khẳng định của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong văn bản vừa gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cải thiện một số thách thức, rào cản kỹ thuật nhằm gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa du lịch quốc tế.

Theo Ban IV, các chuyên gia đánh giá cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch. Cụ thể là  chúng ta mất thị trường du khách Nga và Ukraina; khó khăn cho việc đi lại của du khách nhiều nước tới Việt Nam và đẩy giá thành các chuyến du lịch tăng cao; thu nhập khả dụng của du khách bị giảm và làm giảm sự tự tin của khách về an ninh, an toàn khi đi du lịch. Các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng. Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược Zero-COVID. Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho du lịch ra nước ngoài (không phải cách ly khi quay về) từ 1/4/2022. Nhật Bản và Đài Loan hiện nay vẫn đang áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về, vì vậy chưa thể có triển vọng để thu hút khách từ các thị trường này.

Kiến nghị Thủ tướng 4 giải pháp gia tăng hiệu quả mở cửa du lịch quốc tế -0
Khách quốc tế hào hứng đến Việt Nam.

Về chủ quan, hiện nay, chúng ta đang tồn tại một số vấn đề như thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút, xây dựng niềm tin cho các thị trường khách mục tiêu nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế chưa thể bộc lộ rõ ngay sau khi công bố quyết định mở cửa. Khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế.

Mặt khác, các quy định về y tế của Việt Nam đối với du khách quốc tế chưa thật sự theo kịp tình hình, chưa thuận lợi cho du khách. Chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Theo Ban IV, để đạt mục tiêu năm 2022 là đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương 4 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế. Các thông tin chính sách, quy định liên quan, cần được cập nhật thường xuyên, trực quan, dễ hiểu trên đầy đủ các kênh, bằng các ngôn ngữ phổ biến, để đạt được tính kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước; tăng cường hoạt động e-marketing và cần gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEAGAMES 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.

Thứ hai, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Thứ ba, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan,... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu từ 15 ngày lên 30 ngày. Áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch. Giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu.

Thứ tư, các địa phương phân công rõ 1 đầu mối cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định/quy trình ứng xử liên quan cho doanh nghiệp với tinh thần công - tư phối hợp chặt chẽ…

Ban IV cũng kiến nghị, trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch inbound 2022, Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần, hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời. Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.

Hoa – Hiệp
.
.
.