Khoảng trống mênh mông giữa nhà khoa học, chuyên gia với người nông dân

Thứ Tư, 14/09/2022, 06:05

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, do thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân.

Hạn chế tình trạng "bẻ kèo"

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII 2022 với chủ đề: “Người nông dân chuyên nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh giải pháp được nhắc đến trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”.

Khoảng trống mênh mông giữa nhà khoa học, chuyên gia với người nông dân -0
Muốn sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, nông dân phải liên kết, hợp tác với nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân cần có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn không chỉ ngoài làng xã mà ra toàn cầu. Một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, lí do quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân. “Tôi cho rằng, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Tri thức chính là tinh hoa, hấp thu hiểu biết để đề phòng rủi ro, và kết nối lẫn nhau” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và thừa nhận, còn một khoảng trống mênh mông giữa nhà khoa học, chuyên gia, luật lệ thể chế với người nông dân.

Thực tế hiện nay cho thấy, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn rất nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất; thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản. Chính vì vậy, tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị nhấn mạnh, để người nông dân sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, phải liên kết, hợp tác nhiều người nông dân với nhau. Nếu nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả. “Nếu chúng ta có quy mô đủ lớn thì chúng ta mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường", ông Nghị khẳng định. Theo ông Nghị, ở đâu cũng đề cập rất nhiều đến các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công? “Theo tôi mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 “nhà”: nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo. Do đó, 2 “nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng “bẻ kèo” chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn", ông Nghị phân tích.

Có phải quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp

Trước băn khoăn của nhiều nông dân bày tỏ việc quỹ đất dành cho nông nghiệp đang bị thu hẹp..., Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Văn Phấn cho biết, hiện trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất thì có 10,2 triệu hộ là nông dân. Trong 33 triệu ha đất thì có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Qua 2 con số trên có thể thấy tỷ lệ đất lớn là dành cho nông lâm nghiệp. Thời gian qua, trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng luôn chú trọng làm thế nào để giữ lại nhiều nhất đất cho sản xuất nông lâm nghiệp. “Liên quan trực tiếp đến chính sách bồi thường nếu thu hồi đất của nông dân thì hiện nay chúng tôi đang chỉnh sửa quy định theo hướng cụ thể hơn nữa: thứ nhất là đa dạng hóa trình tự, thủ tục. Thứ hai là phương án bồi thường, tái định cư phải đi trước, trước khi có ý định thu hồi đất của người dân phải có phương án tái định cư ổn định cho người dân. Thứ ba là lập quỹ hỗ trợ cho những người mất tư liệu sản xuất”, ông Phấn thông tin. Về vấn đề tập trung đất đai cho tư liệu sản xuất, thì hiện nay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần so với trước đây là 10 lần. Đồng thời, bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.

Ngọc Yến
.
.
.