Khi thủ phạm bạo hành trẻ em là... cha mẹ!

Thứ Sáu, 25/03/2022, 07:50

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ bạo lực đối với trẻ em, mặc dù các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý nhưng chưa có dấu hiệu giảm. Theo ngành chức năng, trung bình mỗi năm có trên dưới 2.000 vụ xâm hại trẻ em, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Vụ bé gái V.T.K (12 tuổi, ở phường 25, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bị mẹ ruột là bà V.L.T.H.Tr đánh đập dã man ngày 23/3 gây bức xúc dư luận. Sau khi xảy ra sự việc, báo chí lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc thì người mẹ này mới tỏ ra hối hận, cho rằng do áp lực tâm lý và những áp lực cuộc sống đã có hành vi không đúng với con gái. Nhiều người cho rằng nếu không xuất hiện clip trên mạng xã hội thì bé gái tiếp tục bị đánh đập, có thể dẫn tới việc bé sẽ tự tử.

Ngày 24/3, theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), thông tin vụ việc trên do một tài khoản cá nhân (dì ruột của bé T.K) đăng trên mạng xã hội facebook ngày 23/3 đã thu hút nhiều lượt tương tác, chia sẻ trên cộng đồng mạng xã hội tại thời điểm đó. Đến 14h cùng ngày, UBND phường 5 (quận Phú Nhuận) nhận thông tin phản ánh và lấy thông tin bé gái được nhắc đến trong clip hiện đang cư trú tại căn nhà trên đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. UBND phường 5 thành lập ngay tổ công tác trực tiếp đến nhà để xác minh vụ việc.

3.jpg -0
TP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực quan bằng phiên tòa giả định phòng chống bạo lực gia đình tại trường học.

Qua xác minh, được biết em V.T.K (sinh năm 2010) hiện đang học lớp 6A2 tại một trường THCS trên địa bàn phường 5, quận Phú Nhuận. Mẹ của bé là V.L.T.H.Tr (sinh năm 1991). Tại thời điểm xác minh, trẻ đang sống cùng mẹ và 3 người dì (em của mẹ) tại địa chỉ trên. Cha và mẹ của bé T.K không có đăng kết hôn, cha bỏ đi từ lúc mẹ mới sinh em. Từ 1 đến 8 tuổi, em sống cùng với bà ngoại do mẹ đi xuất khẩu lao động bên Singapore và có chu cấp tiền nuôi dưỡng hàng tháng. Đến năm 9 tuổi, mẹ đón về ở chung đến nay.

Nhận định ban đầu của tổ công tác là vụ việc liên quan đến sự nóng giận, không kiềm chế bản thân trong quá trình nuôi dạy con của mình. Bản thân bà H.Tr (mẹ ruột của trẻ) đã thừa nhận trong quá trình nuôi dạy con của mình có những lúc nổi nóng và la mắng con, dù biết là không nên; tuy nhiên, áp lực cơm áo gạo tiền rồi những vấn đề khác trong cuộc sống dẫn đến sự việc trên.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương cho biết, vụ này có dấu hiệu tội hành hạ người khác, thuộc thẩm quyền điều tra, xử lý của cấp quận.

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em. Vụ bé gái 8 tuổi N.T.V.A ở tại căn hộ chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) bị bồ của bố ruột đánh một thời gian dài dẫn đến tử vong ngày 22/12/2021, rồi bé  gái Đ.N.A. (3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh xung quanh đỉnh đầu đã qua đời tối 12/3/2022, hay người bố ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đánh con gái L.H.A (6 tuổi) trong quá trình dạy con học tại nhà vào ngày 16/9/2021 dẫn đến cháu bé tử vong…

Những sự việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ em nói chung. Hầu hết trẻ bị bạo hành bởi người thân, điều này chỉ thấy trẻ không được an toàn trong chính ngôi nhà của mình.

“Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo tôi ngoài chuyện xử phạt hành vi vi phạm thì những người bạo hành trẻ, thành viên trong gia đình, người chứng kiến phải tham gia khóa học trị liệu tâm lý và kỹ năng liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng do mọi người vẫn còn tư tưởng “chuyện cha mẹ dạy con” và nhiều bé vẫn chưa được tiếp cận Luật Bảo vệ trẻ em, vẫn nghĩ mẹ có quyền đánh con nên chấp nhận sự hành hạ, chấp nhận hậu quả đánh con. Điều này dẫn đến sự chậm can thiệp của người lớn hoặc người thân. Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã phân người phối hợp với hội phụ nữ quận và phường để tiếp cận, hỗ trợ giám hộ, đồng thời phối hợp cơ quan chức năng giải quyết tố giác tội phạm.

“Mọi người hãy quan tâm, nhất là thầy giáo, cô giáo, nhà trường để tạo ra môi trường cởi mở, thân thiện cho bé thì bé mới dám chia sẻ. Các bé phải được chia sẻ kiến thức từ nhà trường và người thân để đủ niềm tin, nghị lực mới dám mạnh dạn vượt qua lằn ranh “lệ thuộc” vào cha mẹ để cung cấp thông tin. Và cơ quan chức năng ở địa phương cần giải quyết đúng quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm, nhất là liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay.

Nguyễn Cảnh
.
.
.