Khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thứ Ba, 05/10/2021, 19:01

Chiều tối 5/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

 

Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vùng áp thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); hiện nay, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8; dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, TP và các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8 và văn bản số 1100/TTg-NN ngày 23/8 về ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là sẵn sàng phương án sơ tán dân khi xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

ap-thap-nhiet-doi-16334279875612008326450-16334280218541632411822.png -0
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đối với tuyến biển, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo thường xuyên, kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới sẽ được cập nhật, thông báo trên các bản tin dự báo bão của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện và người trên các tàu thuyền vận tải, tàu đánh cá vãng lai có nhu cầu tránh trú.

Đối với đất liền: Các tỉnh ven biển chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

CL
.
.
.