Hơn 4.000 F0 ở trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5

Thứ Sáu, 10/09/2021, 12:39

Hiện nay, tại 6 tỉnh (29 huyện, thị xã) có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 5 có hơn 4.000 F0, các địa phương đã xây dựng kịch bản, phương án sơ tán và bảo vệ an toàn để không bị lây nhiễm.

 

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, có 4.280 ca mắc COVID-19 (F0) tại 6 tỉnh, TP trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão.

Cụ thể: Thanh Hóa 215 ca; Nghệ An 1.105 ca; Quảng Bình 928 ca; Đà Nẵng 1.524 ca; Thừa Thiên Huế 322 ca; Quãng Ngãi 185 ca.

Về kế hoạch dự kiến sơ tán dân khi bão đổ bổ đất liền, sẽ sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; 143.392 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 231.096 dân khu vực ven biển; 237.393 dân khu vực ven sông và ngoài đê.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (BCĐ) cho biết, việc phòng chống bão hết sức khó khăn bởi các địa phương đang tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Hơn 4.000 F0 ở trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5 -0
Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Hiện nay, BCĐ và các bộ ngành, địa phương đang nỗ lực bám sát, theo dõi cũng như điều chỉnh các kịch bản để việc phòng chống bão đảm bảo an toàn trong lúc phòng chống dịch.

Theo ông Hoài, điều lo lắng nếu bão đổ bộ vào đất liền thì vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân ở khu vực đang có diễn biến phức tạp của dịch sẽ triển khai như thế nào.

Hiện nay, tại 6 tỉnh (29 huyện, thị xã) có nguy cơ ảnh hưởng của bão có hơn 4.000 F0, các địa phương đã xây dựng kịch bản, phương án sơ tán và bảo vệ an toàn để không bị lây nhiễm.

Ông Trần Quang Hoài dẫn chứng, ở Nghệ An số ca nhiễm F0 tại khu vực ven biển tương đối lớn, tỉnh đã sàng lọc, sẵn sàng cho phương án là lực lượng y tế sẽ đến xét nghiệm và tách các đối tượng đó ra ở những khu vực nào. Hiện nay, ưu tiên đưa các F0 đến các trường học (học sinh đang học online) và một số công trình công cộng khác.

Phó Trưởng BCĐ quốc gia về phòng chống thiên tai thông tin thêm, Bộ Y tế đã có 2 văn bản hướng dẫn các cơ quan y tế ở tỉnh, TP ở khu vực thiên tai; lên phương án kịch bản chi tiết cụ thể, F0 sẽ sàng lọc như nào, di chuyển ra sao, đến đâu, các điều kiện trang thiết bị điều trị cho F0 như nào và làm sao để không bị lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, xây dựng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho các khu vực phải sơ tán ở các địa phương, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cũng không ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các đơn vị cũng đã đưa ra các phương án, kịch bản để đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động giao thông, sản xuất, công trình công cộng như điện, hệ thống thông tin liên lạc…

T.Linh
.
.
.