Hít 15 quả bóng cười, nữ sinh bị liệt hai chân

Thứ Năm, 15/08/2024, 15:20

Vốn khoẻ mạnh, nữ sinh 16 tuổi bỗng bị yếu hai tay, liệt hai chân, không đi lại được phải vào nhập viện cấp cứu.

Theo các bác sĩ Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, nữ sinh 16 tuổi trú tại Vĩnh Phúc vốn có tiền sử khỏe mạnh, được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng yếu hai tay, liệt hai chân, phải di chuyển bằng xe lăn.

Khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, 2 tuần trước nữ sinh đã sử dụng 15 quả bóng cười trong vòng 3 ngày. Sau đó, nữ sinh thấy mình bị tê bì tứ chi, hay bị chuột rút, giảm cảm giác chân tay hai bên, chân nặng hơn tay, tình trạng yếu chi tiến triển tăng dần dẫn đến không vận động được 2 chân.

Nữ sinh được chẩn đoán tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã đi lại, vận động được, đỡ tê bì. 

Theo TS.BS Lê Thị Bích Thủy, Trưởng Khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngộ độc khí Nitơ Oxit (N2O) do lạm dụng hít bóng cười trong thời gian dài có thể dẫn đến thoái hóa thần kinh bán cấp do bất hoạt vitamin B12, từ đó gây nên những tổn thương thần kinh kéo dài và khó phục hồi.

Hít 15 quả bóng cười, nữ sinh bị liệt hai chân -0
Bác sĩ đang kiểm tra tình trạng liệt của người bệnh.

Chính vì vậy, trên những người bệnh có triệu chứng tê bì, dị cảm tứ chi, việc khai thác tiền sử lạm dụng bóng cười, khám lâm sàng và cận lâm sàng đầy đủ, đặc biệt là chụp MRI cột sống cổ và đo dẫn truyền thần kinh sẽ giúp cho việc chẩn đoán chính xác, từ đó sẽ phục hồi chức năng vận động của người bệnh một cách tối đa.

Tuy được xuất viện nhưng nữ sinh cần tái khám định kỳ, thực hiện lối sống lành mạnh bằng việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao, tránh xa các chất kích thích gây hại cho sức khỏe và ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học.

Tình trạng nam nữ thanh thiếu niên sử dụng bóng cười và phải nhập viện cấp cứu diễn ra khá phổ biến. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận những ca bệnh ngộ độc do hít bóng cười. 

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, những bệnh nhân ngộ độc bóng cười khi đến viện đã phát ra các biểu hiện bắt đầu từ tê bì ở ngón tay, ngón chân, dần lan dần về phía thân mình. Có trường hợp nặng, bệnh nhân bị tê bì toàn thân. Điều này dẫn đến trạng thái liệt, đi lại không vững, lao động nặng không làm được, hoặc thậm chí, có bệnh nhân còn không ngồi được. Cuối cùng, khi bệnh tình trở nặng hơn nữa, sẽ dẫn đến dấu hiệu mê loạn chức năng sống như khó thở, không thể làm những hoạt động sinh hoạt cơ bản.

Ngộ độc khí cười dẫn đến bị liệt toàn thân do não và tủy sống bị tổn thương. Vì vậy, BS khuyến cáo việc sử dụng bóng cười có thể gây hưng phấn, vui vẻ nhất thời, nhưng lại có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Các chất kích thích có nguy cơ gây ra lạm dụng hay lệ thuộc, tổn thương nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Trần Hằng
.
.
.