Hàu răng cưa khổng lồ đang bị tận diệt ở biển Cồn Cỏ

Thứ Bảy, 20/04/2024, 07:26

Hàu răng cưa khổng lồ sinh sống ở đáy biển, thuộc loài động vật nhuyễn thể được bao bọc bên ngoài bởi 2 mảnh vỏ đá vôi. Ở vùng biển đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, loài hàu này sinh sống khá nhiều. Với thịt thơm ngon, hàm lượng protein trong thịt chiếm tỉ lệ cao (70 – 90%), nên hàu răng cưa khổng lồ luôn được người dân địa phương và du khách thập phương ưa chuộng. Vì thế, những năm gần đây, chúng bị khai thác ngày một nhiều và đang có nguy cơ bị tận diệt.

Ngư dân Nguyễn Văn Tình (trú thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, ông chuyên lặn khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở biển đảo Cồn Cỏ. Nhưng thời gian gần đây, việc mưu sinh bằng nghề này trở nên khó khăn, bởi vì ngày càng có nhiều người tham gia lặn khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở đây.

a1-2.jpg -0
Ngư dân lặn khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở biển đảo Cồn Cỏ.

“Trước đây, chỉ cần lặn ở độ sâu 10 – 15m là có hàu, nhưng bây giờ phải ra xa bờ hơn, với mực nước từ 30 – 40m mới có thể tìm thấy chúng. Đồng thời, sản lượng khai thác được cũng giảm sút, từ năm 2017 trở về trước có thể khai thác được 150 – 200 con hàu răng cưa khổng lồ trong khoảng 6 giờ lặn, nhưng nay chỉ còn tối đa 70 – 80 con trong khoảng thời gian ấy”, ông Tình chia sẻ.

Theo người dân sinh sống ở đảo Cồn Cỏ, những năm qua, việc lặn khai thác hàu răng cưa khổng lồ ở đây diễn ra đại trà, mạnh ai nấy làm mà không bị hạn chế bởi một quy định nào. Đồng thời, ở đây không chỉ có ngư dân trong tỉnh, mà còn có rất nhiều ngư dân của các tỉnh bạn như Quảng Ngãi, Bình Định tham gia lặn khai thác loài hàu này, khiến cho chúng gặp nguy cơ cao bị tận diệt. “Nếu có quy định về kích cỡ con hàu được phép khai thác, sẽ vừa có thể khai thác phục vụ nhu cầu của con người, vừa bảo tồn được chúng để không làm mất đi sự cân bằng của tự nhiên”, ông Nguyễn Hữu Thành, một người dân sống ở đảo Cồn Cỏ mong muốn.

Theo BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, thời gian qua, do nhu cầu về hải sản, đặc biệt là hàu răng cưa khổng lồ của du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng ở đây tăng cao; số lượng người, thuyền tham gia khai thác loài hàu này ngày càng nhiều, nên việc quản lý, đẩy đuổi các hoạt động cấm không được thực hiện hoặc bị hạn chế trong Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ gặp nhiều khó khăn.

“Trước tình hình này, đơn vị đã triển khai đề tài Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ ở đây. Đặc điểm hàu này có một phần vỏ bám vào các rạn san hô nên để khai thác chúng, ngư dân thường phải dùng xà beng cạy hàu ra khỏi rạn san hô. Việc này không chỉ làm suy giảm nguồn lợi loài hàu nói riêng, mà còn gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rạn đá quanh đảo là môi trường sinh sống của nhiều loài sinh vật trong khu bảo tồn biển này. Từ thực tế này, đề tài đề xuất quy định, trong quá trình khai thác hàu này không được phép khai thác hàu non, hàu có trọng lượng dưới 1kg, đồng thời phải hết sức chú ý việc dùng vật dụng cạy hàu, sao cho không gây ảnh hưởng hoặc hạn chế được ảnh hưởng tới mức tối đa đối với các loài vật và môi trường xung quanh”, ông Trần Khương Cảnh, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho hay.

Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ, trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, từ đây đặt ra những vấn đề tác động tiêu cực lên môi trường biển. Nhiều giống loài, sinh cảnh biển, nhiều loài quý hiếm, đặc trưng hoặc có giá trị kinh tế cao trên vùng biển của tỉnh và trong Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ nói riêng đang dần bị suy giảm. Trong đó, điển hình là loài hàu răng cưa khổng lồ đang trong tình trạng bị khai thác quá mức, không có sự kiểm soát. Trong thực tế, UBND huyện đảo Cồn Cỏ và BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã có quy chế cấm hoặc hạn chế một số hoạt động đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản trong các phân khu thuộc Khu Bảo tồn biển đảo này. Song, do giá trị kinh tế của loài hàu răng cưa khổng lồ  mang lại khá cao, lên đến 300.000 - 350.000 đồng/kg thịt hàu, nên tình trạng khai thác này vẫn đang lén lút diễn ra.

Theo ông Trần Khương Cảnh, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, hàu răng cưa khổng lồ có tên khoa học là "Hyotissa Hyotis Linnaeus, 1758". Chúng sinh trưởng, bám chặt vào các rạn đá, rạn san hô ở độ sâu 3 - 40m trên vùng biển đảo Cồn Cỏ. Khi hàu răng cưa khổng lồ sinh trưởng tới mức có trọng lượng chừng 2 kg thì phần cơ thịt, nội tạng đạt khoảng 0,1 kg. Tại Quảng Trị, Sở NN&PTNT tỉnh chỉ mới ghi nhận loài này phân bố quanh khu vực đảo Cồn Cỏ. Ngoài ra, một số thông tin cho rằng loài này cũng đang có mặt ở khu vực rạn biển cách bờ khoảng 2 hải lý thuộc xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.

Thanh Bình
.
.
.