Háo hức ngày trở về tại Trại giam Phú Sơn 4

Thứ Hai, 29/08/2022, 06:09

Tôi đến Trại giam Phú Sơn 4 (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) khi CBCS nơi đây đang tất bật chuẩn bị công tác đặc xá năm 2022, bởi chỉ còn ít ngày nữa thôi là hơn 60 phạm nhân ở trại sẽ được nhận Quyết định của Chủ tịch nước trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Không khí mừng vui, háo hức từ những CBCS trại giam - những người làm chính sách, nghiên cứu hồ sơ đề nghị đặc xá đến những phạm nhân được đặc xá dịp này dường như lan tỏa ra toàn trại.

Đảm bảo công bằng, công khai, đúng người

Không chỉ là các pano, áp phích mà ở phân trại này CBCS Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành cấp Căn cước công dân cho các phạm nhân sắp được đặc xá, tại phân trại kia là các lớp học bồi dưỡng, giáo dục công dân do Trại giam Phú Sơn 4 tổ chức để chuẩn bị "hành trang", kiến thức cho những người được tha tù trước thời hạn, sắp bước qua cánh cửa trại giam làm lại cuộc đời. Niềm vui ngời lên trong ánh mắt nhiều người.

hao huc ngay tro ve-3.jpg -0
CBCS Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên cấp Căn cước công dân cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá.

Thượng tá Lê Đình Thanh, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022, hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá và kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2022, Ban lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận nghiên cứu trực tiếp hồ sơ, kết hợp với phần mềm quản lý thông tin phạm nhân để rà soát dự kiến số lượng phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam có thể đề nghị đặc xá.

"Các cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân tổ chức sinh hoạt đội phổ biến công khai các điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá đến từng phạm nhân. Rà soát phạm nhân đủ điều kiện đặc xá, tổ chức cho phạm nhân viết đơn đề nghị đặc xá, bản cam kết và tiến hành họp đội để bình xét. Việc giới thiệu, thảo luận và bình xét, bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện trong đội phạm nhân được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng người và đúng pháp luật" - Thượng tá Lê Đình Thanh khẳng định. Tính đến thời điểm hiện tại, Trại giam Phú Sơn 4 đã đề nghị đặc xá cho 68 phạm nhân.

Háo hức ngày trở về tại Trại giam Phú Sơn 4 -0
Trung tá Nguyễn Xuân Trường, cán bộ giáo dục Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4 giới thiệu với các nữ phạm nhân về truyền thống của đơn vị.

Nghe tin mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá đợt này, phạm nhân Đàm Thị Liên (SN 1981), quê Cao Bằng tâm sự, bản thân rất vui mừng, cảm thấy mình may mắn vì đủ điều kiện đặc xá. Nhớ lại thời gian phạm tội tham ô tài sản khi còn là cán bộ địa chính ở huyện Nguyên Bình, nữ phạm nhân rưng rưng xúc động: "Xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã khoan hồng, rộng lượng với những người lầm lỗi như chúng tôi. Tôi xin hứa sau khi trở về sẽ làm ăn lương thiện, sống phấn đấu có ích cho gia đình và xã hội".

Cũng được đề nghị đặc xá dịp 2/9 là phạm nhân Lương Văn Nhự (SN 1984), quê xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép vật liệu nổ. Khi là thủ kho Công ty TNHH Đức Thắng, chuyên sản xuất, kinh doanh khai thác đá, Lương Văn Nhự từng 3 lần "giúp sức tích cực" cho Giám đốc Công ty xuất vật liệu nổ trong kho mang đi bán, bị kết án 10 năm tù. Do nỗ lực cải tạo tốt nên mặc dù án khá dài song nam phạm nhân này từng được giảm án ba lần với tổng số 23 tháng. Cộng với lần đặc xá này nghĩa là phạm nhân được ra trước thời hạn hơn 3 năm. "Trong quá trình chấp hành án tại đây, được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ và cán bộ quản giáo giúp đỡ nhiều, tôi luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách nhân đạo, khoan hồng với người lầm lỗi. Tôi rất vui, trước mắt còn gia đình, vợ con, bố mẹ già nên tôi mong được làm lại cuộc đời, nuôi các con ăn học, trưởng thành", phạm nhân Nhự chia sẻ.

Kể về hoàn cảnh gia đình hai con nhỏ, vợ là con một, nghề nghiệp không ổn định, lại đang phải gửi cháu cho ông bà nội để về quê xa chăm mẹ ruột bị tai biến; bố đẻ phạm nhân thì bị ốm nặng, Lương Văn Nhự cho biết, dự định trước mắt khi trở về là đưa bố đi khám bệnh và đón mẹ vợ ra Thái Nguyên phụng dưỡng. "Nhiều ý tưởng lắm, để có tiền, tôi cũng muốn phát triển nông nghiệp sạch, chăn nuôi trâu, lợn rừng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng cũng phải ra ngoài mới biết xã hội cần gì, mình có tiếp cận được hay không", phạm nhân nói, ánh mắt xa xăm...

"Mình vui lắm, cả tháng không ngủ được"

Trong số 68 phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn 4 được đề nghị đặc xá dịp này, có một phạm nhân đặc biệt quốc tịch Lào. Đó là Vàng Thị Chự (SN 1992), quê huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào. "Sở dĩ tên phạm nhân giống tên người Việt do phạm nhân là người dân tộc Mông ở Lào, họ thường đặt tên như vậy" - Đại úy Nguyễn Thành Chung, cán bộ quản giáo Đội 60, Phân trại số 2 lý giải khi tôi thắc mắc. Phạm nhân Chự phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt ngày 27/11/2017, thụ án 7 năm; cải tạo khá nên từng được giảm án hai lần, một lần 6 tháng, một lần 9 tháng.

Háo hức ngày trở về tại Trại giam Phú Sơn 4 -0
Thiếu tá Nguyễn Thái Anh, cán bộ giáo dục Phân trại số 1, Trại giam Phú Sơn 4 hướng dẫn các phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2022 mượn sách đọc tại thư viện.

Tuy lấy chồng Việt Nam, ở Mộc Châu, Sơn La nhưng có lẽ do hoàn cảnh khó khăn, suốt gần 5 năm qua phạm nhân này chưa hề một lần được người nhà thăm gặp. "Lúc nào buồn buồn gặp cán bộ Chung động viên xong là vui rồi. Được đặc xá mình vui lắm, cả tháng không ngủ được", phạm nhân Vàng Thị Chự tươi cười, nói bằng giọng lơ lớ. Nữ phạm nhân cho biết, chính sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khuyến khích các phạm nhân, đặc biệt phạm nhân quốc tịch nước ngoài phấn đấu cải tạo tốt hơn để sớm được trở về. Hiện tại Trại giam Phú Sơn 4 đang có các phạm nhân có quốc tịch: Lào, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc, Philippins, Indonesia, Thái Lan.

Theo Thiếu tá Lê Thị Hạnh, cán bộ quản giáo Đội 29, Phân trại số 2, chứng kiến sự háo hức của các phạm nhân khi ngày đặc xá gần kề, chính chị cũng cảm thấy vui lây. "Hằng ngày nhiệm vụ của chúng tôi là giáo dục, cải tạo phạm nhân, hướng nghiệp dạy nghề cho họ, thẳm sâu trong lòng chúng tôi luôn mong họ thạo một nghề nào đó để khi ra ngoài xã hội có thể sống bằng nghề, không tiếp tục sa ngã. Đồng thời, họ sớm được trở về đồng nghĩa những người đó đã cải tạo tốt", chị giãi bày. Hằng ngày, Thiếu tá Lê Thị Hạnh và đồng nghiệp vẫn miệt mài sáng tạo đường kim mũi chỉ để nghiên cứu, cải tiến những kỹ thuật, cách thức may mới, giúp ích cho phạm nhân trên con đường hướng thiện, chờ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng...

Quỳnh Vinh
.
.
.