Hành trình “đánh thức” sâm Ngọc Linh

Chủ Nhật, 25/09/2022, 08:00

Trên đỉnh Ngọc Linh cao gần 2.600m, việc sâm Ngọc Linh được tìm thấy đã làm chấn động giới nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hành trình từ đỉnh núi mù sương đến khi bước ra “ánh sáng”, sâm Ngọc Linh đã trải qua quá trình dài và cũng không ít gian nan…

Năm 1970, khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, nhiệm vụ tìm cây thuốc để chữa bệnh cho người dân và bộ đội đã trở nên vô cùng cấp bách. Do đó, Trung ương đã có ý kiến chỉ đạo thành lập đoàn điều tra, nghiên cứu các cây thuốc chữa bệnh để phục vụ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Tháng 3/1973, đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang hướng dẫn đã phát hiện một loài Panax mọc hoang thành quần thể ở độ cao 1.800m tại dãy núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum. Bắt đầu từ năm 1974, loài sâm mới này được gọi với tên sâm Khu 5 (hay còn gọi là sâm Ngọc Linh) để đánh dấu bước phát hiện lịch sử tại vùng Liên khu 5.

sam 5.jpg -0
Dược sĩ Đào Kim Long (thứ 2 từ phải sang) và các chuyên gia chia sẻ về quá trình phát hiện, nghiên cứu sâm Ngọc Linh.

Kể lại giây phút tìm thấy loài sâm quý, dược sĩ Đào Kim Long bồi hồi: Khoảng 9h sáng 19/3/1973, đoàn điều tra đã may mắn tìm được một cây sâm Ngọc Linh nằm ngay trên đường đi tìm cây thuốc trên dãy núi Ngọc Linh. Lúc bấy giờ, chúng tôi đã biết tìm được loại sâm quý không chỉ của Việt Nam mà của cả trên thế giới với khả năng giúp lành vết thương nhanh, tăng cường sức mạnh, bồi bổ cơ thể…

Những năm 1990, sâm Ngọc Linh bị khai thác triệt để trong tự nhiên. Từ đó đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng. Vô tình biết được các tài liệu nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, anh em nhà Trần Hoàn, Trần Hảo ở Kon Tum nhiều năm gắn bó với rừng núi Ngọc Linh đã bỏ nhiều công sức tìm tòi, học hỏi, tham vấn ý kiến chuyên gia khoa học về việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn với mong muốn giữ được nguồn sâm quý của đất nước không tuyệt chủng.

Về phía chính quyền địa phương, từ năm 1997, tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thảo khoa học về cây sâm. Qua hội thảo đã đề ra những định hướng phát triển loài dược liệu quý hiếm này. Đồng thời, dự án giao đất khoán rừng cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để phát triển Sâm Ngọc Linh cũng được triển khai. Từ đó, nâng cao nhận thức cho đồng bào tại vùng sâm, người dân có ý thức bảo vệ và phát triển nguồn dược liệu quý này.

Ông Trần Hoàn nhớ lại vào những năm 1998-1999, anh em trong gia đình đi kiếm từng đồng tiền lẻ để mua gom lại sâm Ngọc Linh của người dân đào được ở rừng rồi đem về lại trong rừng để trồng thử nghiệm. Đã có lúc trồng cả trăm gốc sâm nhưng kết quả chỉ còn sống vài chục cây. Sau nhiều lần thất bại cay đắng, ông Trần Hoàn đã rút được kinh nghiệm là cần kết hợp sâu sắc giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng Ngọc Linh với việc trồng sâm dưới tán rừng già. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, ông Hoàn đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho gần cả trăm người dân Xê Đăng ở địa phương từ bỏ việc phá rừng làm rẫy; tự nguyện lên rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ sâm Ngọc Linh cho mình. Để làm được những điều kỳ diệu ấy không phải đơn giản bởi tập quán phá rừng làm rẫy đã tồn tại qua nhiều thế hệ của đồng bào nơi đây. Do đó, đòi hỏi những người tiên phong phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, kết hợp và lưu giữ được nét văn hóa cộng đồng truyền thống của cư dân bản địa.

Đến nay, bằng sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ, công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm, thuần chủng sâm Ngọc Linh đã nhận được quả ngọt. Hiện Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được cấp phép 7.000ha vùng trồng; 1.000ha sâm đang được chăm sóc và phát triển, trong đó có hơn 200ha sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi. Qua đó, người dân sống quanh dãy núi Ngọc Linh cũng được hưởng lợi rất lớn từ việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh.

Tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác vào tháng 9/2018 tại tỉnh Kon Tum, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ) đã nhấn mạnh, cần đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, đủ sức cạnh tranh với những quốc gia tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Anh Ngoang (SN 1993, trú xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, tôi làm công nhân trồng sâm cho Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được 9 năm. Mỗi tháng công ty trả lương 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn cho cây sâm giống để trồng riêng, giúp nâng cao thu nhập. Gia đình tôi từ cha mẹ, anh chị em đều làm công nhân tại đây vì nhận thấy nhiều lợi ích từ việc trồng sâm Ngọc Linh.

GS-TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên chia sẻ: Giải pháp bảo tồn, phát triển và làm phong phú các sản phẩm sâm Ngọc Linh phải là định hướng chính trong thời gian tới. Hiện nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở độ cao thấp hơn (khoảng 900m) và đang theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để đưa ra giải pháp phù hợp.

Đối với vấn nạn mạo danh, bán sâm Ngọc Linh giả trên thị trường hiện nay, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khuyến cáo: Người tiêu dùng khi có nhu cầu mua Sâm Ngọc Linh, sản phẩm Sâm Ngọc Linh cần đến các cơ sở uy tín, được cấp phép để tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.

Theo các kết quả công bố mới nhất, sâm Ngọc Linh có đến 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận dùng của cây chứ không phải 52 hợp chất saponin như được công bố trước đây. Vì vậy, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất thế giới và có chất lượng không thua kém gì so với các loại sâm hàng đầu thế giới như sâm Hàn Quốc, sâm Nhật Bản…

Chí Hào
.
.
.