Hàng nghìn người lao động đường sắt phải tạm thời nghỉ việc

Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:34

Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, để đảm bảo an toàn cho hành khách từ ngày 23/8, ngành đường sắt dừng toàn bộ việc chạy tàu Bắc – Nam. Việc dừng chạy tàu khách đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm và đời sống của hàng nghìn người lao động.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, ngành đường sắt có khoảng 1.725 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có trên 1.700 người nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) là gần 1.300 người. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, hoạt động vận tải khách gần như tê liệt, kéo theo hàng nghìn lao động không có việc làm. Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – ông Vũ Anh Minh chia sẻ thêm, hiện toàn bộ tàu chở khách đã tạm dừng hoạt động coi như "đóng băng", chỉ còn một vài đôi tàu vận chuyển hàng hoá vẫn đang hoạt động ổn định (khoảng 50%).

7-2.jpg -0
Đường sắt vẫn thực hiện các chuyến tàu miễn phí chở hàng cứu trợ từ Bắc vào Nam.

Liên quan đến đời sống việc làm của người lao động, ông Minh cho biết việc dừng chạy tàu Bắc – Nam đã ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động. Theo đó, tạm hoãn HĐLĐ với khối trực tiếp sản xuất (khoảng 30%) và luân phiên làm việc giãn cách để duy trì đóng bảo hiểm và có trách nhiệm với công việc. Để duy trì hoạt động, đường sắt đang triển khai các tuyến tàu hàng chạy liên vận quốc tế và qua biên giới. Cùng với đó,  ngành đường sắt vẫn duy trì các tuyến tàu được tổ chức chạy nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, thiết bị y tế, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 tới TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hiện vận tải hàng hóa đường sắt tăng trưởng được 20% so với năm 2019, nhưng thiệt hại vận tải hành khách là 100%.

Với tình hình trên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) - ông Đỗ Văn Hoan - cho biết, hiện công ty đã có kiến nghị lên Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam về các chế độ cho người lao động. Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg hồ sơ, thủ tục hỗ trợ theo Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ cho người lao động 1.850.000 đồng và khoản 3.700.000 đồng. Nhưng hiện đơn vị không tiếp cận được bởi quy định doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, đường sắt mặc dù phải dừng toàn bộ tàu khách, nhưng không có cơ quan nào yêu cầu phải dừng, mà thực tế những ga trọng điểm phong tỏa thì sẽ không có khách đi nên buộc phải dừng tàu. Hiện đơn vị đã làm việc với Ngân hàng Chính sách để giải quyết vấn đề này nhưng cũng khó.

Cũng theo ông Hoan, việc vay vốn của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động để phục hồi SXKD thì đơn vị tiếp cận được, bởi trong Quyết định 23 có ưu tiên vận tải nhưng lại không ưu tiên lao động. Do đó, trước mắt đơn vị sẽ tạm hoãn HĐLĐ (người lao động không được hưởng gì). Năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, đơn vị cũng có hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu/người, nhưng sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, đơn vị kiệt quệ, hiện gần như không còn dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, rất mong Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chức năng có các giải pháp hỗ trợ.

Tương tự, ông Đào Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn - cho biết, tàu không chạy không có doanh thu, gần 2.000 người lao động không có thu nhập, ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ khi bị tiếp tục tạm hoãn HĐLĐ. Hiện đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để hưởng các gói hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, đồng thời xúc tiến với Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay trả lương cho người lao động, nhưng vẫn đang chờ xác nhận của cơ quan thuế. Sản lượng doanh thu không có, bắt buộc phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ luân phiên, nghỉ giãn cách.

Phạm Huyền
.
.
.