Hải quan chủ động lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp

Thứ Ba, 10/12/2024, 14:23

Xác định mối quan hệ Hải quan - doanh nghiệp (DN) là đối tác hợp tác lâu dài, từ đầu năm đến nay, cơ quan Hải quan đã chủ động tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại với DN để xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động XNK. Qua các cuộc đối thoại, cơ quan Hải quan và cộng đồng DN cùng trao đổi, lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Doanh nghiệp hài lòng với sự hỗ trợ của Hải quan

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, năm 2024, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng các DN bên cạnh nỗ lực cải cách, hiện đại hóa hải quan. Các buổi đối thoại, tiếp xúc với DN không chỉ là hoạt động thường xuyên của cơ quan Hải quan mà còn là một trong những hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cập nhật thông tin pháp luật trọng tâm của Ngành. Cơ quan Hải quan xác định, thông qua các buổi đối thoại, tiếp xúc với DN, ngoài việc giúp cộng đồng DN nâng cao nhận thức và khả năng thực thi pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan có thể kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho DN XNK. Qua đó, đưa mối quan hệ Hải quan - DN thực sự là đối tác hợp tác trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật.

Hải quan chủ động lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp -0
Cục Hải quan Quảng Ninh thường xuyên tổ chức đối thoại DN, tập trung tháo gỡ khó khăn.

Tại Hội nghị bàn tròn giữa Chính quyền TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tại TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 9/12, các DN cho biết rất hài lòng với những nội dung hướng dẫn, giải đáp của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Ông Onose Takahisa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thuế và Hải quan, JCCH cho rằng, ở lĩnh vực hải quan, DN đánh giá nội dung kiến nghị năm ngoái đã nhận được phản hồi của cơ quan Hải quan với nội dung rất tốt. Tại kỳ hội nghị năm nay, các DN đưa ra 5 kiến nghị mới. Cả 5 nội dung này Hiệp hội đã nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các cán bộ Cục thuế TP Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã luôn hỗ trợ, đồng hành cùng Hiệp hội và cộng đồng DN Nhật Bản trên địa bàn thành phố”, ông Onose Takahisa nhấn mạnh.

Ông Nozaki Takao, Chủ tịch JCCH cho biết, từ tháng 4/2024 đến nay, JCCH đã có thêm 56 DN hội viên mới, nâng tổng số hội viên tại Việt Nam lên 1.078 DN. Với quy mô này, JCCH tiếp tục giữ vững ngôi vị thứ ba trong tổng số gần 100 Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại các quốc gia trên thế giới, chỉ xếp sau Thượng Hải và Bangkok. Trong số hơn 1.000 hội viên, cộng đồng DN có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70% với 727 DN.

Tại Cục Hải quan Lạng Sơn đã áp dụng nhiều cách thức tiếp nhận, giải đáp vướng mắc, kiến nghị của DN về thực hiện các quy định chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan. Hàng năm, từ cấp chi cục đến cấp cục, Hải quan Lạng Sơn thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với cộng đồng DN. Không dừng lại ở việc tổ chức hội nghị đối thoại, Cục Hải quan Lạng Sơn còn chủ động thành lập, phối hợp tham gia các đoàn công tác với UBND tỉnh Lạng Sơn đến tận trụ sở DN để lắng nghe, nắm bắt và xử lý triệt để các vướng mắc phát sinh.

Điển hình, trong 2 ngày (26 và 27/3/2024), đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn đã tham gia đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đến thăm và làm việc với 9 DN lớn có trụ sở tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên... có hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua các buổi làm việc, ông Nguyễn Vũ Trụ, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Máy Việt Nam (VIMID) nhận định, việc cơ quan quản lý và DN cùng trao đổi, tiếp xúc, ngồi lại với nhau thường xuyên hơn, giúp cả 2 bên có thời gian lắng nghe và đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời đã thể hiện rõ nét nỗ lực từ các bên. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) cũng cho rằng, thời điểm hiện tại, trong quá trình làm thủ tục, DN phát sinh vướng mắc đều được cơ quan Hải quan giải đáp, hướng dẫn ngay. Nếu trước đây phải đợi tới kỳ đối thoại, thì nay việc giải đáp hướng dẫn trực tiếp mọi lúc, mọi nơi đã giúp tiết kiệm thời gian và hỗ trợ kịp thời cho DN đáp ứng các điều kiện giao hàng cho đối tác.

Ông Đỗ Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan Hải quan các cấp trong việc tạo điều kiện để DN thành viên VLA kinh doanh phát triển. VLA mong muốn được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc phối hợp giữa Tổng cục Hải quan với VLA về trao đổi, nghiên cứu các khả năng tối ưu hóa và tích hợp các phần mềm quản lý hải quan với các hệ thống/nền tảng phổ biến trong hoạt động logistics, thương mại điện tử, quản lý vận đơn điện tử eB/L… Hỗ trợ cung cấp, cập nhật thường xuyên phần mềm khai hải quan miễn phí; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và các bên có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành Hải quan.

Hải quan chủ động lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp -0
Ông Đào Thịnh Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan.

Tạo thuận lợi các hoạt động XNK

Với mong muốn ghi nhận và kịp thời nắm bắt nhanh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan, cơ quan Hải quan xác định, công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tạo thuận lợi các hoạt động XNK là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho DN bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, cơ quan Hải quan tiếp tục chỉnh lý các dự thảo văn bản trên cơ sở chỉ đạo của cấp có thẩm quyền như: Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử…

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện trình Bộ Tài chính ban hành: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC; Thông tư sửa Thông tư 50/2018/TT-BTC quy định chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và đường sông; Thông tư quy định thí điểm về quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hoá XNK, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển qua lại giữa các cảng, kho, bãi, địa điểm trong cụm cảng container khu vực Cái Mép…

Đáng chú ý, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) theo kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2022-2025.

Hải quan chủ động lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp -0
Quang cảnh hội nghị bàn tròn giữa Chính quyền TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.

Về giải pháp cải cách, tạo thuận lợi cho DN, ông Đào Thịnh Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng với DN. Với những giải pháp tích cực mang lại hiệu quả đã được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao tầm nhìn và mục tiêu hướng tới Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh của ngành Hải quan. Những năm gần đây, cơ quan Hải quan đã tổ chức định kỳ, thường xuyên, đột xuất các hội nghị, các buổi gặp gỡ để giải quyết vướng mắc theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Ngành Hải quan xác định, việc thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu (XNK), thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức (CBCC) Hải quan khi thi hành công vụ là ưu tiên hàng đầu. Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các DN và nắm thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của CBCC các cấp. Năm 2024, cơ quan Hải quan các cấp đã thực hiện hơn 154 cuộc đối thoại và trả lời khoảng 1.000 câu hỏi vướng mắc, với sự tham gia của hàng nghìn DN có hoạt động XNK. Thông qua các cuộc đối thoại, cơ quan Hải quan nhận thấy hầu hết các vấn đề vướng mắc phát sinh mà DN nêu đều liên quan đến các TTHC có tính chất liên ngành.

Ngoài ra, sau mỗi kỳ đối thoại, thông qua các kênh, cơ quan Hải quan đã tích cực giải đáp các vướng mắc phát sinh trong thực hiện thủ tục hải quan, bảo đảm việc tuân thủ chính sách, pháp luật của DN. Cơ quan Hải quan tiếp tục đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XNK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK và các luật khác có liên quan.

Để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển, cơ quan Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu duy trì các giải pháp đảm bảo thông quan hàng hoá. Nâng cao hiệu quả các giải pháp về CNTT để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết TTHC.

Ngoài những nỗ lực của cơ quan Hải quan, đại diện Vụ Pháp chế mong muốn DN tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới lĩnh vực thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Cơ quan Hải quan và DN cần hiểu nhau và đồng thuận khi thực thi chính sách và nghĩa vụ của mình vì mục tiêu chung là tạo thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trân Trân
.
.
.