Hà Nội siết chặt hơn việc kiểm soát cấp và sử dụng giấy đi đường
Chiều 21/8, UBND TP Hà Nội đã ra công điện chính thức yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội đến 6h giờ ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP, tăng cường kiểm soát việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
UBND TP Hà Nội nhận định, trong 28 ngày thực hiện giãn cách xã hội, với tinh thần vào cuộc quyết liệt kịp thời của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở cùng với sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng xã hội và Nhân dân Thủ đô, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn đang được kiểm soát.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, nguy cơ, thách thức. Qua công tác xét nghiệm diện rộng, TP đã xác định được một số địa bàn và đối tượng nguy cơ rất cao (vùng đỏ và nhóm đỏ), tiềm ẩn rủi ro có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía Nam dịch bệnh đang lây lan mạnh trong cộng đồng, một số tỉnh lân cận dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Nhằm tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội đến 6h giờ ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch COVID-19. UBND TP Hà Nội yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Lãnh đạo TP nhận định, chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của TP và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Đề nghị mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của TP.
UBND TP yêu cầu yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và TP; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của TP; chịu trách nhiệm trước chính quyền TP và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá tình hình và có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; đồng thời phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, ngày cuối tuần. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code, quy định phòng chống dịch của TP; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn và đề xuất bổ sung kịp thời các chính sách phù hợp đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội.
Giao Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Công điện nêu rõ, UBND TP giao Công an TP tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.