Hà Nội mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2023
UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao; các làng nghề chế biến thực phẩm; các cơ sở kinh doanh tại các chợ, siêu thị, thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn.
Các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật; thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thời gian cao điểm của đợt kiểm tra là từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023.
Thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Trong đó, đoàn số 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông. Đoàn số 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Xuân, Thanh Trì, Ba Đình.
Đoàn số 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ba Vì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm. Đoàn số 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ (Đông Anh), Mê Linh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Quý Mão và các lễ hội (như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...), các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các đoàn của tuyến trên căn cứ vào tính chất vụ việc và thẩm quyền để xử lý hoặc có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương là UBND các cấp nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương để tiếp tục xử lý theo quy định.