Hà Nội lý giải vì sao tăng giá nước sinh hoạt từ 1/7

Thứ Tư, 28/06/2023, 17:40

Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá nước sạch từ ngày 1/7. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 10 năm, và Hà Nội kỳ vọng sẽ có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia xã hội hóa sản xuất nước sạch

Theo Sở Tài chính Hà Nội, căn cứ để điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội dựa trên quy định về xác định giá nước sạch sinh hoạt của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Sau gần 10 năm không tăng giá, đây là lần đầu tiên Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức giá nước sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Hà Nội lý giải lý do tăng giá nước sinh hoạt -0
Vẫn còn nhiều khu vực của Hà Nội thiếu nước sạch trong mùa hè.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phương án giá nước sạch còn do chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế khai thác nước ngầm.

Trước năm 2016 tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP khoảng 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác hiện nay là 780.000 m3/ngày đêm. Nếu  khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm,…gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Tại thời điểm năm 2022, với 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt thì công suất đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho TP. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho TP được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do: Chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Ngoài ra, hững năm qua, hệ thống sản xuất và phân phối nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn như: Ngân sách Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Qua đó, TP đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nước sạch, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của các năm trước. Nguồn nước sạch đang từng bước chuyển từ khai khác nguồn nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt, từng bước đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ người dân cũng như sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, việc Hà Nội phải thực hiện điều chỉnh giá nước sạch lần này còn bởi biến động của các chi phí cấu thành giá nước sạch. 10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng nên giá bán nước sạch đến thời điểm này cơ bản không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 ban hành giá bán nước sinh hoạt và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TP đến nay đã thực hiện được 10 năm. Hiện tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng: Tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí cũng đều đã điều chỉnh tăng như: Thuế Tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng 30%; từ năm 2017, Chính phủ còn bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước.

Hiện nay, Hà Nội cũng là một trong những địa phương có giá nước sạch thấp trên cả nước. Vì những nguyên nhân trên, Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu cấp thiết.

Tính đến thời điểm này, tại nhiều khu vực nông thôn (149 xã của các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai), người dân vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Trong đó, có 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất và 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm dự án cấp nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chưa phủ sóng được 100% nguồn nước sạch đến người dân nông thôn ở Hà Nội chính là giá nước. Giá nước thấp cũng là một trở ngại lớn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư sản xuất nước sạch. Theo quy định thì 5 năm, giá nước phải được điều chỉnh một lần nhưng từ năm 2013 tới nay, giá nước do UBND TP quy định đã không thay đổi.

Việc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch khiến việc thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2025, nếu tiến độ đầu tư các dự án nguồn cấp nước không bảo đảm theo kế hoạch, TP có thể lại đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.

Nguyễn Hương - Triệu Khanh
.
.
.