Hà Nội: Cuối năm lại tái diễn cảnh vỉa hè bị đào xới

Thứ Tư, 21/12/2022, 06:30

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều chỗ vỉa hè đang được thi công lật lên để lát lại đá mới. Điều đáng nói là vỉa hè ở đây vẫn còn khá tốt.

Theo chị Cao Thị Huyền, một người dân đang sinh sống tại khu tập thể trên cho biết, vỉa hè trước nhà B8 còn khá mới. Theo trí nhớ của chị, vỉa hè này mới được lát và bó vỉa vài năm. Hiện nay, gạch vẫn còn nguyên vẹn, không hư hại, bong bật như các tuyến phố đã được lát đá “vĩnh cửu”.

“Tôi không hiểu sao, quận Thanh Xuân lại cho đào xới, làm lại vỉa hè vào thời điểm cuối năm như thế này, rất bất tiện cho sinh hoạt của người dân. Hàng ngày đi qua đi lại khó khăn, chưa kể bụi, ô nhiễm môi trường”, chị Huyền bức xúc.

Hà Nội: Cuối năm lại tái diễn cảnh vỉa hè bị đào xới -0
Vỉa hè trước khu nhà B8, tập thể Thanh Xuân Bắc bị đào xới thi công lát lại đá, người dân đi bộ xuống lòng đường.

Không chỉ trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), tại nhiều quận khác, người dân cũng trong tình trạng “chịu đựng” cảnh đi lại bị cản trở vì vỉa hè bị đào xới. Tại ngõ 35 Kim Mã Thượng (quận Ba Đình, Hà Nội), vỉa hè cũng bị xới tung để lát lại đá. Trong khi chất lượng đá vỉa hè đang là vấn đề khiến người dân nghi ngại vì vừa lát xong đã hỏng, thì việc đào xới vào thời điểm cuối năm càng khiến người dân băn khoăn. Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm, khi mật độ giao thông đang là áp lực “đè nặng” lên các tuyến đường để đào xới, lát lại vỉa hè là câu hỏi chung của nhiều người dân, đặc biệt là các hộ có cửa hàng kinh doanh mặt phố.

Việc buôn bán của họ bị ảnh hưởng nhiều vì khách hàng ngại phải trèo qua các đống gạch đá để vào mua hàng. Chưa kể nếu đi xe máy thì không có chỗ để xe. Một chủ cửa hàng quần áo trên phố Nguyễn Chí Thanh than thở: “Buôn bán đã chậm do hậu COVID-19, giờ chỉ mong tháng sát Tết, mọi người mua sắm nhiều hơn một chút thì lại vướng “ông” vỉa hè”.

Theo ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, dự án chỉnh trang hè phố nói chung và lát đá vỉa hè đang thi công đã được phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Trong năm 2022, Sở Xây dựng đã kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố trên địa bàn thành phố. Theo ông Minh, qua kiểm tra, sở phát hiện rất nhiều tồn tại nên đã đề xuất cho các quận, huyện tổ chức triển khai đồng bộ.

Một lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, chỉnh trang vỉa hè phố Nguyễn Trãi được triển khai từ năm 2017. Sau khi thanh tra TP có kết luận, các tồn tại được khắc phục, công trình được tiếp tục thi công và năm 2018 hoàn thành. Năm 2020, công trình được bàn giao cho quận. Tháng 6/2020, công trình hết hạn bảo hành và quận đã thực hiện bảo trì theo quy định. Dự kiến việc bảo trì trên phố Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn sẽ xong trước Tết Âm lịch.

Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông  Vận tải Hà Nội cho biết, trong tháng 11/2022, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp vi phạm quy định về đào hè, đào đường, hoàn trả mặt đường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, với tổng số tiền hơn 118 triệu đồng. Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cá nhân tự ý cải tạo vỉa hè trái phép; một số đơn vị để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…

Để bảo đảm trật tự an toàn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Thanh tra Sở kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý đường phải giám sát chặt chẽ các vị trí hoàn trả mặt đường, bảo đảm êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó có văn bản chấn chỉnh đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần. Theo thống kê, hiện Hà Nội có 255 tuyến phố ở các quận, huyện, thị xã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tập trung ở một số quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn lại đa số lát bằng gạch block.

Chi Linh
.
.
.