Hà Nội chuẩn bị vào đỉnh dịch sốt xuất huyết: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

Thứ Hai, 26/09/2022, 07:58

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang bùng phát rất mạnh do chuẩn bị bước vào đỉnh dịch, đã có 4 người tử vong, số ca nặng biến chứng phải nhập viện tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người dân còn thờ ơ với dịch, chính quyền một số địa phương vẫn chưa chú trọng diệt muỗi, bọ gậy… để phòng bệnh.

Trong 3 tuần lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng bất thường và dự kiến tiếp tục bùng phát trong thời gian tới. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhi tới khám, trong đó trung bình có 20 ca sốt xuất huyết biến chứng nặng phải nhập viện điều trị mỗi tuần. Nằm điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương là 2 trẻ ở Hà Nội, trong đó có 1 trẻ mắc sốt xuất huyết lần thứ 2.

sxh 2.jpg -0
Vệ sinh môi trường ở khu dân cư, nhà dân ngay đừng để “nước đến chân mới nhảy”.

Theo mẹ bệnh nhi thì lần mắc này cháu bé bị nặng hơn lần trước, tiểu cầu giảm liên tục, biến chứng nặng phải nhập viện điều trị. Bệnh nhi còn lại nhập viện cấp cứu vào ngày thứ 6. “Con đi học về kêu đau đầu, sau đó sốt, đã đi khám ở tuyến huyện, nhưng đến ngày thứ 6 thì con nôn, xuất huyết da, tiểu cầu giảm liên tục, gia đình cấp tốc đưa con tới Bệnh viện Nhi”, người mẹ cho biết.

Theo BS Trần Thị Loan, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các ca phải nhập viện đều có biến chứng nặng như bị xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm liên tục, có nhiều dịch ở ổ bụng, nôn nhiều và nhiều trẻ bị mắc tái lại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong khoảng 1 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tuần sau luôn tăng gấp đôi tuần trước và tuần này ghi nhận khoảng 1.000 bệnh nhân. Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát mạnh từ nay đến tháng 11 trên điạ bàn Thủ đô.

Hiện nay, các ổ dịch xuất hiện gần như tại tất cả 30 quận huyện của Hà Nội. Thời tiết lại mưa nắng xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, nở ra bọ gậy trong các bể nước sinh hoạt không đậy nắp, hoặc các dụng cụ đọng nước ở các công trường xây dựng, nhà dân, bụi rậm…, từ đó phát sinh muỗi đi khắp nơi và phát tán dịch bệnh. Hiện còn nhiều khu dân cư chưa được chính quyền địa phương phát động chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy hằng tuần, rất dễ gây ra những ổ dịch sốt xuất huyết. Có những ổ dịch bùng phát hằng tháng trời vẫn chưa khống chế được như tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, đơn vị này đã tổ chức phun hoá chất 4 lần tại ổ dịch thôn Vực nhưng mật độ muỗi và bọ gậy vẫn ở mức cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, còn rất nhiều người dân thờ ơ với bệnh sốt xuất huyết, không chủ động phun hoá chất diệt muỗi, diệt bọ gậy ở ngay chính trong gia đình; chính quyền và y tế địa phương một số nơi chưa thực sự chú trọng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết, đến khi phát sinh ổ dịch mới đi phun hoá chất kiểu “đuổi theo dịch”. Ổ dịch tại thôn Vực, xã Thanh Liệt  ghi nhận ca bệnh đầu tiên từ ngày 1/8. Nguyên nhân là tháng 8 vừa qua là thời điểm mưa nhiều, đọng nước, thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, bọ gậy phát triển thành muỗi, nhưng trước đó việc vệ sinh môi trường chưa được chú trọng, chỉ khi có ca bệnh mới làm.

Tính từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận hơn 3.000 ca sốt xuất huyết (tăng mạnh từ tháng 8), gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết thường có chu kỳ 5 năm và năm nay là chu kỳ kế tiếp của vụ dịch bùng phát mạnh năm 2017. Trước tình hình thiếu thuốc, đặc biệt là dịch truyền đặc trị sốc sốt xuất huyết, Hà Nội ứng phó thế nào khi đang có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát? Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc bệnh và các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt, cần phải giám sát muỗi và bọ gậy, tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý hiệu quả các khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Chúng tôi cũng cho rằng cần phải nâng cao khả năng đánh giá, dự báo tình hình, diễn biến và nguy cơ dịch…”.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, mục tiêu đặt ra là giảm ca mắc, giảm tối đa bệnh nhân nặng và tử vong, vì vậy, ngành Y tế Thủ đô đã chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, hoá chất phục vụ phòng chống. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho hệ thống khám chữa bệnh, Sở Y tế đã phân tầng, phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân để hạn chế tình trạng quá tải.

Dù giải pháp đưa ra thế nào mà không có sự vào cuộc đồng bộ, không tăng cường truyền thông đến người dân để cùng vào cuộc cùng chính quyền và ngành y tế, thì hiệu quả sẽ không cao. Theo dự báo của chuyên gia, từ nay đến tháng 11 là đỉnh dịch của Hà Nội, chính quyền và trạm y tế phường, trung tâm y tế các quận, huyện cần triển khai vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi ở những nơi có nguy cơ phát sinh ổ dịch ngay, đừng để chậm trễ “nước đến chân mới nhảy” như một số ổ dịch bùng phát hằng tháng trời vẫn chưa khống chế được. 

Trần Hằng
.
.
.