Gương sáng hoàn lương trở về trại giam giúp đỡ phạm nhân được đặc xá
Nhân chuyến công tác tại Trại giam Phú Sơn 4, tôi được gặp một người phụ nữ đặc biệt, từng chấp hành án 14 năm tại đây, sau chục năm hoàn lương đã trở thành gương sáng khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Đó là chị Vũ Thị Hương (SN 1970), chủ trang trại chăn nuôi trâu ở Quân Chu, Đại Từ, Thái Nguyên.
"Quay lại chỗ từng ở mười mấy năm tôi rất xúc động, bao nhiêu kỷ niệm ùa về, gốc bàng này ngày xưa tôi hay ngồi, khu nhà kia tôi ở nhưng nay khang trang hơn nhiều...", chị Hương mắt đỏ hoe, rưng rưng chia sẻ.
Cần phải nói thêm, điểm mới trong công tác đặc xá tại Trại giam Phú Sơn 4 năm 2022 là phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức Chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tiếp cận vay vốn sản xuất, kinh doanh cho phạm nhân nữ là người được đề nghị đặc xá và phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng.
Tại chương trình, hơn 60 phạm nhân được đề nghị đặc xá đã có cơ hội lắng nghe những kinh nghiệm, kiến thức hữu ích từ đồng chí Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, cũng như tọa đàm, đối thoại với đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, được giải đáp những thắc mắc xung quanh điều kiện vay vốn, số vốn được vay và những hồ sơ, thủ tục, cam kết kèm theo... Nhiều nữ phạm nhân được thẳng thắn đặt câu hỏi, bày tỏ băn khoăn, thắc mắc và trực tiếp nghe các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị trả lời tường tận, ngọn nguồn.
Phạm nhân Đàm Thị Chanh (SN 1969), trú xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, có tên trong danh sách đề nghị đặc xá chị luôn lo lắng suy nghĩ, không biết sau khi rời cổng trại thì mình sẽ làm gì và làm thế nào đây.
"Với sự mặc cảm về tội lỗi cũng như áp lực ngoài xã hội rất căng thẳng, chúng tôi rất cần được hỗ trợ, tư vấn, định hướng, thậm chí nếu được vay vốn làm lại cuộc đời nữa thì quá tốt. Được tham dự chương trình, tôi cảm thấy rất ấm lòng, sự quan tâm của Ban Giám thị và các tổ chức không chỉ là nguồn động viên tinh thần lớn lao mà còn có ý nghĩa thiết thực, là hoạt động nhân văn sâu sắc", nữ phạm nhân bày tỏ.
Theo Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4, nhiều năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho chị em phụ nữ của trại, đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền về tình yêu thương gia đình; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các phạm nhân; đồng thời đơn vị luôn nhận được sự đồng hành của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân...
"Chúng tôi hiểu rằng, các phạm nhân đã có thời gian chấp hành án, được quản lý giáo dục, cách ly với xã hội thì nhiều chính sách và thông tin hạn chế. Do đó, chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm mục đích giúp nữ phạm nhân hiểu rõ về các chính sách ưu đãi mà mình được hưởng thụ để tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Mong các chị sớm trở về với xã hội, hoàn thiện thiên chức người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc", Đại tá Lãnh Văn Lượng khẳng định.
Đặc biệt, tại chương trình còn có phần chia sẻ của chị Vũ Thị Hương - với tình cảm, trách nhiệm và sứ mệnh lan tỏa chính sách của Đảng, Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng, cũng như câu chuyện thực tế của cuộc đời mình để giúp các phạm nhân có thêm thông tin trước khi trở về.
Năm 28 tuổi, công việc không ổn định, trình độ nhận thức thấp, lại hám lợi trước mắt nên chị Vũ Thị Hương tham gia mua bán trái phép chất ma túy. Chồng nghiện cũng vào trại cùng lúc, hai đứa con chị đành gửi cho các chị chồng mỗi người nuôi một cháu.
"Mới đầu vào trại tôi chán nản lắm, nhà 4 người giờ chia bốn ngả, chồng ở phân trại khác, nhà chồng dân tộc Dao thuộc diện 135 nghèo lắm, gia đình không ai thăm gặp... Lúc đó tôi vào Đội 19 Phân trại số 4, được quản giáo Đinh Kim Cương chỉ bảo, giúp đỡ", chị kể.
Dần dần, được lao động cải tạo, chị Hương chuyển biến về tâm lý. Đặc biệt khi chị thạo nghề nông, được cho đi chăn trâu, được cán bộ quản giáo tin tưởng giao cho tài sản lớn vì "trẻ nhất đội nhưng có nhiều nghị lực", chị luôn phấn đấu hoàn thành năng suất cao, trâu con nào con nấy được chăm béo khỏe.
"Cán bộ Cương rất thương tôi, có thức ăn gì cán bộ đều để lại cho tôi một ít ở chạn bát, bảo "tý chị cầm về mà ăn". Tôi bảo, ra cổng bị thu đấy thì cán bộ nói, "tôi sẽ xin cho, đây là chị được cho chứ không phải mua bán trái phép gì". Khi cán bộ Cương nghỉ hưu thì cán bộ Lê Quang Đạt trực tiếp quản giáo, ít tuổi hơn tôi nhưng cũng tốt với tôi lắm. Có dịp tôi bị chuyển sang đội làm vàng mã, tôi chỉ khóc. Biết tâm tư của tôi, giỏi nông nghiệp và muốn gắn bó với con trâu, cánh đồng nên cán bộ đã lên Ban Giám thị xin cho tôi được chuyển trở lại đội... Những tình cảm ấy, tôi không bao giờ quên được. Khi ra trại, tôi đã hứa trước hàng nghìn phạm nhân, về địa phương sẽ trở thành công dân có ích, lúc nào làm ăn được thì sẽ quay trở lại tìm cán bộ...", chị Hương kể một mạch rồi nghẹn ngào khóc, giọng đứt quãng.
"Đến giờ tôi quay lại tìm thì cán bộ Đinh Kim Cương đã nghỉ hưu, cán bộ Lê Quang Đạt thì đã chuyển về trại giam khác. Bây giờ gia đình khá giả, có ôtô di chuyển dễ dàng, tôi muốn quay lại cảm ơn cán bộ, đặc biệt cán bộ Đạt nhưng tôi vẫn chưa có thông tin, địa chỉ cụ thể", chị cho biết thêm.
Kể về câu chuyện cuộc đời của mình, chị Hương cho biết, năm 2012 do cải tạo tốt nên chị được ra trại (trước 4 năm so với mức án ban đầu). Đây cũng là lúc chị hoàn thành thủ tục ly hôn với chồng vì người chồng ra tù trước và đã ở với người khác. Chị lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, trong đó xin làm tạp vụ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Có vốn, chị về quê chăn nuôi từ con nhỏ đến con lớn. Ban đầu là gà, vịt, tiếp đó là dê, chó, rồi đến trâu.
"Hiện giờ lúc nào tôi cũng có 30-50 con trâu, vừa trâu giống, vừa trâu thịt, lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng mỗi năm", chị Hương thông tin. Nhờ hiểu kỹ thuật chăn nuôi đàn trâu luôn béo khỏe, chị không chỉ làm giàu chính đáng mà còn giúp đỡ nhiều người cùng hoàn cảnh. Đặc biệt, mô hình khởi nghiệp chăn nuôi trâu sạch thương phẩm của chị đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP năm 2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.
Trang trại chăn nuôi trâu của chị luôn có 3-5 nhân công làm việc liên tục và khoảng 10 nhân công làm theo giờ, trong đó có người dân tộc thiểu số, người không biết chữ, người phạm tội trở về. Lương trung bình 6 triệu đồng/người, đàn ông có thể 8-9 triệu đồng.
"Lần này về Phú Sơn 4, tôi cũng muốn chia sẻ, trong số chị em sắp được đặc xá, những ai không có việc làm, hay có nhu cầu về kinh tế thì tôi sẵn sàng giúp đỡ, nhưng người đó phải tu chí, hướng thiện, thiện chí. Tôi mong những chị em từng va vấp như tôi có cơ hội đổi đời...", chị Hương bày tỏ.