Gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường

Thứ Tư, 27/07/2022, 06:29

Ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, ngư dân Quảng Bình nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn do giá nhiên liệu tăng, sản lượng thuỷ hải sản và giá cả không cao, thiếu thuyền viên đi biển, song về nhiều làng biển như Cảnh Dương, Đức Trạch, Bảo Ninh, Hải Ninh… ở Quảng Bình, chúng tôi vẫn luôn bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền của nhiều ngư dân...

Trong số các tỉnh, thành miền Trung, Quảng Bình có đội tàu đi biển thuộc tốp đầu với 6.792 tàu thuyền tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản trong đó có hơn 1.207 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, số lao động tham gia khai thác thuỷ hải sản là 24.100 người. Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, số lượng thuyền viên ngày một khan hiếm, song hầu hết tàu thuyền của ngư dân đều sẵn sàng vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường. Nhằm động viên khuyến khích ngư dân, các sở, ban, ngành ở Quảng Bình cũng đang có nhiều phương án, kế hoạch hay để chung sức cùng ngư dân bám biển.

Những cột mốc chủ quyền trên biển

Theo báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương có tàu cá ngừng hoạt động chiếm 40-50%, đặc biệt là các chủ tàu cá làm nghề biển tiêu hao nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê. Nguyên nhân chủ yếu tàu thuyền ngừng đi biển là do biến động giá xăng dầu tăng cao. Tuần qua giá xăng dầu có giảm nhưng theo nhiều chủ tàu làm nghề biển, với giá xăng dầu 24 đến 25 ngàn đồng/lít như hiện nay thì ngư dân đi biển vẫn thua lỗ. Bên cạnh đó, do để tàu thuyền nằm bờ lâu dài nên giờ ngư dân cho tàu đi biển trở lại lại thiếu nhân lực trầm trọng. Bởi trước đó nhiều thuyền viên đã chọn phương án đi xuất khẩu lao động hoặc rời địa phương đến các thành phố lớn tìm việc làm khác.

Gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường -0
Đội tàu cá của ngư dân Quảng Bình đang nỗ lực vượt qua khó khăn để bám biển, bảo vệ ngư trường.

Ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, ngư dân Quảng Bình nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn do giá nhiên liệu tăng, sản lượng thuỷ hải sản và giá cả không cao, thiếu thuyền viên đi biển, song về nhiều làng biển như Cảnh Dương, Đức Trạch, Bảo Ninh, Hải Ninh… ở Quảng Bình, chúng tôi vẫn luôn bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền của nhiều ngư dân. Với những làng biển hàng trăm năm tuổi, họ ra biển ngoài việc đánh bắt thuỷ hải sản, ăn sâu trong tiềm thức của ngư dân, biển cả còn là quê hương, là ngư trường truyền thống cha ông để lại. Những con tàu của bà con ngư dân cũng như là “những cột mốc chủ quyền trên biển”.

Chúng tôi tìm về xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nơi có hơn 1.720 hộ dân với trên 7.550 nhân khẩu nhưng đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản ở vùng biển xã và 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Từ một xã nghèo, giờ đây nhờ lộc biển, nhiều người dân xã Đức Trạch đã vươn lên làm giàu, có đời sống sung túc. Chúng tôi xúc động khi nghe nhiều ngư dân lớn tuổi nơi đây nói rằng: “Ngư trường Hoàng Sa, biển xa là biển của mình đời này qua đời khác, mình cứ đánh bắt, nếu vì khó khăn hay vì sợ mà mình mình không ra đánh bắt thì khác chi mình dâng ngư trường của ông bà mình cho kẻ khác. Chúng tôi bám biển, giữ ngư trường là giữ cho chính con cháu mình sau này vậy”.

Ngư dân Nguyễn Thế Giảng, chủ tàu cá QB 91126TS ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình chia sẻ: Vài ba năm trở lại ngư dân gặp khó do sản lượng thuỷ hải sản ngày một khan hiếm, giá bán thuỷ hải sản thì vẫn cầm chừng nhưng xăng dầu thì lên cao, nên những tàu thuyền bám biển thì chủ tàu phải tính chi li tiết kiệm chi phí từng đồng, bên cạnh đó phải thạo nghề, thạo biển mới mong hoà vốn hay có lãi. Ngư dân thì nhìn vào tàu cá, còn nếu để tàu cá nằm bờ thì cực chẳng đã hoặc khó khăn chồng chất khó khăn, bởi vì nếu tàu nằm bờ thì lãi suất ngân hàng vay mượn đóng tàu, hay thu mua xăng dầu trước đó vẫn phải trả.

Gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường -0
Niềm vui của bà con ngư dân khi tàu cá cập bến.

Cùng chung suy nghĩ với anh Giảng, ngư dân Võ Minh Thông ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết thêm, tàu của anh là tàu đánh bắt xa bờ, ngư trường Hoàng Sa như quê hương trên biển, mỗi chuyến ra khơi tàu của anh tiêu tốn 7.000 - 8.000 lít dầu. Mỗi lần vượt sóng, vợ chồng anh Thông tiêu tốn cho con tàu từ 120 - 130 triệu đồng chi phí dầu, lương thực, thực phẩm, đá lạnh… Nay phải lên đến trên 200 triệu đồng mới đủ chi phí cho một chuyến đánh bắt. “Nhưng mình sinh ra bên bãi biển, lớn lên cùng biển, biển cả như quê hương thứ hai, mình bỏ biển thì ai bảo vệ ngư trường… nên anh em ngư dân vẫn động viên nhau cùng cố gắng vượt khó giai đoạn khó khăn để bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của ông cha mình”, anh Thông chia sẽ.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thuỷ hải sản. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao cùng với giá cả thu mua, sản lượng đánh bắt thấp đã khiến một số tàu thuyền nằm bờ.

Để kịp thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển, tỉnh Quảng Bình đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong quý IV năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Trung bình hằng năm tỉnh đóng mới, cải hoán từ 200 - 300 tàu cá khai thác xa bờ. Việc quản lý cấp, thu hồi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với ngư dân được thực hiện tốt với 100% tàu cá từ 20 CV trở lên được cấp phép. Tỉnh luôn động viên, khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên cả nước thành lập các “Tổ đoàn kết” trên biển. Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác và nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Bình đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đã kết nối liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, cứu hộ cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác xa bờ. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết được phát huy, hạn chế rủi ro của các tàu thuyền trên biển, việc liên kết sản xuất và sản lượng khai thác của ngư dân luôn ổn định.

Gỡ khó giúp ngư dân bám biển bảo vệ ngư trường -0
Nhiều chủ tàu đã tạm ngừng ra khơi vì thua lỗ.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình mong muốn “Để động viên bà con vươn khơi, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm triển khai áp dụng các chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Bình tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất. Trong đó chú trọng phát triển thêm đội tàu dịch vụ nghề cá để cung cấp nhiên liệu, lương thực cho ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

Dương Sông Lam
.
.
.