Giúp "cần câu cơm" cho nhiều người lầm lỗi xứ Thanh

Thứ Năm, 16/11/2023, 05:22

Thông qua các mô hình như: "Doanh nhân với ANTT" ở huyện Nga Sơn; Tổ "3 trên 1" ở các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn… đến nay toàn tỉnh Thanh Hoá đã có hơn 2.000 người lầm lỗi đã được tạo công ăn việc làm, hỗ trợ kinh phí, dạy nghề, giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Sau 2 năm chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh Lê Ngọc Toàn (thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá) chỉ với hai bàn tay trắng. Cũng như nhiều người có quá khứ lầm lỗi, thời gian đầu anh Toàn không dám ra khỏi nhà vì mặc cảm, tự ti bản thân và đặc biệt là lo sợ sự kỳ thị của những người xung quanh. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên của gia đình và lực lượng Công an địa phương, anh Toàn từng bước "cởi bỏ" được mặc cảm bản thân, tiếp xúc nhiều với những người xung quanh, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lang Chánh, anh Toàn được Ngân hàng Nông nghiệp huyện hỗ trợ cho vay hơn 300 triệu đồng để phát triển kinh tế, tái hoà nhập cộng đồng. Bằng bàn tay, khối óc và nghị lực hoàn lương bản thân, giờ đây anh Toàn đã vượt qua mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định.

z4879108501135_fd4cee0245f59e5b7d0f702133ed01f5.jpg -0
Công an Thanh Hóa thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

"Sau khi chấp hành án xong trở về địa phương, tôi được chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc thị trấn tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ vay vốn ngân hàng đầu tư mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Đến giờ phút này, tôi đã định hình lại và có hướng đi riêng cho bản thân, gia đình", anh Toàn chia sẻ.

Ông Trần Anh Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh, cho biết: Thời gian qua, UBND thị trấn rất coi trọng công tác giúp đỡ người lầm lỗi trở về địa phương, tái hoà nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức, trong đó có việc hỗ trợ vay vốn giải quyết công ăn việc làm. Ngoài ra, địa phương cũng liên hệ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng lao động để giới thiệu, giúp đỡ người lầm lỗi trở về địa phương có việc làm, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người lầm lỗi trở về địa phương, để sớm có phương án hỗ trợ kịp thời, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội.

Tại tỉnh Thanh Hoá, hiện có rất nhiều mô hình quản lý, giáo dục và giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi, trong đó hiệu quả nhất là mô hình "Doanh nhân với ANTT" ở huyện Nga Sơn. Đây là mô hình được xây dựng từ năm 2008 trên cơ sở phối hợp giữa 3 lực lượng: Công an, Hiệp hội Doanh nhân và Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện.

Sau 15 năm hoạt động, mô hình "Doanh nhân với ANTT" đã hỗ trợ 120 lượt người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Nga Sơn được vay vốn từ quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm" với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng để học nghề và sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, lực lượng Công an còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách lồng ghép cho vay số tiền trên 2 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, mô hình đã giải ngân cho 7 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú vay với số tiền gần 500 triệu đồng.

Qua theo dõi, phần lớn những người lầm lỗi được vay vốn từ "Quỹ doanh nhân phòng, chống tội phạm" đều sử dụng đồng vốn có hiệu quả, đúng mục đích, đã và đang từng bước thoát nghèo, trong đó có tới 97% người vay vốn làm ăn có lãi và hoàn trả đúng hạn. Điều quan trọng hơn cả đó là mô hình này không chỉ góp phần xã hội hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề cao trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT, mà còn xóa được sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với những người lầm lỗi, tạo cho họ một điểm tựa trong cuộc sống, giúp họ vững tin hơn trên con đường hoàn lương hòa nhập với cộng đồng.

Thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và BCĐ 138 thị xã Bỉm Sơn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, tháng 7/2019, Công an thị xã Bỉm Sơn đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thị xã chỉ đạo UBND phường Đông Sơn xây dựng mô hình "Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù".

Giúp
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành ở địa phương, đến nay anh Lê Ngọc Toàn (người mặc áo phông xanh) đã có đời sống kinh tế gia đình ổn định.

Với sự đồng lòng và tham gia của các cấp, các ngành và đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong việc hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lầm lỗi, đến nay sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình "Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù" trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã thật sự phát huy hiệu quả. Tất cả những người chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú tại phường Đông Sơn đều được đưa vào mô hình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ, xoá bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt. Đồng thời, đã tạo công ăn việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn cho 18 trường hợp, giúp họ yên tâm làm ăn, lao động trở thành người có ích cho xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ người chấp hành án về địa phương tái phạm tội giảm đáng kể.

Với phương châm "Lấy quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là việc làm trọng tâm, phải biết khơi dậy những cái tốt trong bản thân từng đối tượng lầm lỗi để động viên, giúp đỡ họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, tránh xa quá khứ lỗi lầm", năm 2013, Công an và Hội Cựu chiến binh huyện Thọ Xuân đã phối hợp tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo 138 huyện xây dựng mô hình tổ "3 trên 1" với mục đích là nhằm quản lý, giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa và bố trí việc làm cho những người lầm lỗi, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Sau 11 năm mô hình được đưa vào hoạt động, nhiều đối tượng chấp hành xong án phạt tù tại địa bàn đã được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, được vay vốn, được bảo lãnh để vay quỹ tín dụng, từ đó có công ăn việc làm ổn định, một số đã vươn lên trở thành những hộ có thu nhập phát triển kinh tế ở mức khá ở địa phương.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.234 người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó có hơn 3.900 người đang cư trú, sinh sống tại địa phương. Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 49 ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình, điển hình tiến tiến trong công tác quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi.

Thượng tá Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Trong những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, kết hợp với lực lượng Công an trong công tác tổ chức, tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ sớm ổn định cuộc sống, tránh xa con đường phạm tội. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả qua đó khích lệ, lan toả được chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trần Thắng
.
.
.