Giáo sư Vũ Khiêu yên nghỉ trong lòng đất mẹ

Thứ Hai, 11/10/2021, 06:49

Hôm nay, ngày 11/10/2021, tang lễ Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội. Sau lễ viếng với sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các học giả, nhà văn, nhà báo cùng đông đảo cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và gia đình, linh cữu của ông được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

 

Nhân dịp này Báo CAND xin có mấy dòng về hoạt động của Báo mà có sự phối hợp giúp đỡ của Giáo sư Vũ Khiêu.

Bài văn bia tại Đền Liệt sĩ Ka Nak

Vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, liên tục trên Báo CAND có đăng lời kêu gọi “Hãy chung tay xây dựng Đền Liệt sĩ Ka Nak”. Cùng với đó trên các ấn phẩm của Báo có nhiều bài viết về trận đánh của quân và dân ta vào căn cứ Ka Nak đêm 7/2/1965. Ka Nak là địa danh của huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

gs vu khieu (3).jpg -0
Trường PTTH Cao Phong tổ chức mừng thọ GS Vũ Khiêu 101 tuổi.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện KBang là căn cứ cách mạng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ka Nak là một vị trí xung yếu nên kẻ địch luôn tìm cách án ngữ không cho ta phát triển địa bàn.

Mỹ-ngụy cắm ở đây một tiều đoàn biệt kích với hơn 450 tên cùng các đơn vị pháo hỏa lực, thông tin… được bảo vệ bởi nhiều lớp kẽm gai, mìn, chông. Với quyết tâm tiêu diệt căn cứ Ka Nak, mở rộng địa bàn hoạt động giữa miền núi và đồng bằng, hỗ trợ phong trào phá “ấp chiến lược” ở các địa phương Gia Lai, Bình Định.

Đêm ngày 7, rạng ngày 8/3/1965 quân dân ta với sự phối hợp của nhiều lực lượng tập kích căn cứ Ka Nak. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Ngay từ đầu, bộ đội Đặc công của ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tuy nhiên do có sơ hở trong quá trình tấn công, trận đánh mất tính bất ngờ nên địch chủ động phản kích lại từ trên các điểm cao, gây cho lực lượng ta bị thương vong quá lớn. Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ ta đã hy.

Trận đánh không giành được thắng lợi nhưng để lại bài học kinh nghiệm xương máu cho các thế hệ sau này. Từ năm 2004, địa phương cùng thân nhân các liệt sĩ đã liên tục tổ chức nhiều đợt tìm kiếm và đến năm 2008 đã quy tập được 264 hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang của huyện.

Giáo sư Vũ Khiêu yên nghỉ trong lòng đất mẹ -0
Lễ khởi công xây dựng đền tưởng niệm liệt sỹ Ka Nak.

Để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và thể theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, huyện đã xin phép và được các cấp đồng ý cho xây dựng một ngôi đền thờ các liệt sĩ tại địa điểm diễn ra trận đánh căn cứ Ka Nak năm xưa.

Tuy vậy với một huyện miền núi thì kinh phí xây một ngôi đền rất khó khăn. Thông qua anh Phạm Văn Mẫn, thân nhân liệt sĩ, có anh trai hy sinh trong trận đánh đó, Báo CAND đã tổ chức kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay đóng góp xây dựng Đền Liệt sĩ Ka Nak. Chỉ sau vài ngày phát động Quỹ của Báo đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tập thể và cá nhân.

Có thể kể đến như gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN), Công ty Điện lực Hải Phòng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Đông Đô, gia đình bà Mai Quỳ và nhiều tập thể cá nhân khác.

Ngày 27/7/2008, ngôi đền được khởi công xây dựng. Để ghi lại lịch sử và ý nghĩa của trận đánh, chúng tôi cùng lãnh đạo huyện KBang đến đặt vấn đề và xin Giáo sư Vũ Khiêu viết cho bài văn bia để đặt trong khuôn viên của đền. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu về trận đánh, cũng như quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ và tình hình kinh tế xã hội của huyện, Giáo sư đã nhận lời. Sau một thời gian đầu tư nghiên cứu, sáng tác, trước ngày khánh thành ngôi đền bài văn bia của Giáo sư đã hoàn thiện.

Sau đúng một năm, ngày 27/7/2009 ngôi đền đã hoàn thành. Trong lễ khánh thành ngôi đền, Chủ tịch UBND huyện KBang, ông Phan Minh Túc thay mặt nhân dân trong huyện xướng bài văn bia gây xúc động tất cả người dự lễ.

Cùng với công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ, bài văn bia được khắc trên bia đá trong khuôn viên ngôi đền mãi là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng hết sức sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Xin trích giới thiệu bốn câu cuối của bài văn bia cùng độc giả: “Xây ngôi đền, để ngày tháng khói hương. Dựng bia đá mong công ơn ghi tạc. Ngàn thu sáng chói đạo làm người. Muôn dặm soi dài gương vị nước”.

gs vu khieu (4).jpg -0
Tác giả và gia đình chúc đại thọ Giáo sư Vũ Khiêu.

Ngôi trường mang tên bút hiệu Giáo sư Vũ Khiêu

Dù đi công tác xa quê từ rất sớm nhưng Giáo sư Vũ Khiêu có nhiều hoạt động gắn bó với quê hương. Năm 1947, sau thời gian vợ cùng 2 người con được tổ chức cho sơ tán về ẩn nấp tại cơ sở cách mạng chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường tránh bị địch bắt, gia đình Giáo sư Vũ Khiêu đã chính thức rời quê hương theo ông đi hoạt động cách mạng.

Sau những năm hoạt động ở các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc, hòa bình lập lại gia đình ông mới chính thức trở về sinh sống tại Hà Nội. Dù phải hoạt động xa quê trong điều kiện chiến tranh hay sau này khi công việc bận rộn thì quê hương luôn thôi thúc ông trở về. Không chỉ làng Hành Thiện mà cả vùng mấy huyện như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực… nơi ông đã từng hoạt động đều để lại trong ông những kỉ niệm, tình cảm không thể quên.

Ông đã dành thời gian để viết những câu đối, hoành phi trong các đền liệt sĩ của nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định. Trong các cuộc gặp mặt đồng hương tỉnh, huyện tại Hà Nội hay những cuộc hội thảo, trao đổi về quê hương ông đều dành thời gian đến nói chuyện, tâm sự mong sao quê hương phát triển, bà con được ấm no hạnh phúc.

Năm 2011 khi có chủ trương chuyển đổi các trường dân lập thành trường tư thục, lãnh đạo huyện Xuân Trường và Trường PTTH dân lập Xuân Trường cùng chúng tôi đến đặt vấn đề xin được đổi tên trường mang tên ông.

Ông suy nghĩ rồi cho lời khuyên rằng, ở địa phương có nhà lãnh đạo Trường Chinh, nguyên là Tổng Bí thư và một số đồng chí lãnh đạo khác chưa có tên của một cơ sở giáo dục nào thì không nên lấy tên ông đặt cho ngôi trường này.

Tuy nhiên ông bày ra cho anh em chúng tôi một hướng mới. Trường có thể mang tên bút hiệu của ông là Cao Phong. Ông giải thích rằng, Cao Phong là phong thái cao cả, là chữ mà Cao Bá Quát dùng để ngợi ca Chu Văn An, một người thầy tiêu biểu, một tấm gương lớn của lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp giáo dục.

Rất tâm huyết với ý nghĩa đó, nhiều năm ông sử dụng từ Cao Phong là bút hiệu của mình. Cuối tháng 8/2011, UBND tỉnh Nam Định quyết định về việc chuyển đổi Trường THPT dân lập Xuân Trường sang loại hình tư thục thành Trường THPT Cao Phong.

Ông đã viết tặng trường câu đối rất ý nghĩa: “Hạo khí vươn cao trời đất nọ. Cao Phong còn mãi nước non này”. Lễ khai giảng năm học đầu tiên ông có mặt, phát biểu với thầy trò nhà trường và đánh trống khai giảng năm học mới. Những năm sau đó vào dịp khai giảng năm học mới ông đều về dự và động viên thầy trò trường Cao Phong.

Vinh dự được mang tên Cao Phong, là bút hiệu của Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu, một con người đầy tâm huyết với thế hệ trẻ, nhằm tiếp nối truyền thống của quê hương Nam Định nói chung và vùng đất Xuân Trường hiếu học nói riêng là vinh dự của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THPT Cao Phong ông Mai Văn Hấn cho biết: Nhận rõ vinh dự đó, nhiều năm nay trường Cao Phong đã đạt kết quả giáo dục năm sau cao hơn năm trước. Hôm nay Giáo sư không còn nữa, thầy trò nhà trường phấn đấu dạy và học thật tốt để xứng danh với bút hiệu của Giáo sư.

Vĩnh biệt Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu. Vĩnh biệt một con người uyên thâm về trí tuệ; gần gũi, cởi mở, bao dung trong giao tiếp; một chiến sĩ cách mạng, nhà triết học, nhà văn hóa… Ông đã mãi mãi đi xa sau 106 năm trên cõi tạm để về với đất Mẹ.  

Phạm Văn Miên
.
.
.