Giảm 22% tai nạn giao thông sau 3 tháng xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông"
Sau 3 tháng tỉnh Bắc Ninh xây dựng "Tỉnh An toàn giao thông (ATGT)", cả hệ thống chính trị của tỉnh đã thực sự vào cuộc, triển khai nghiêm túc, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương.
Chiều 10/7, Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã sơ kết 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng “Tỉnh ATGT".
Dự hội nghị, về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia; Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh.
Báo cáo kết quả 3 tháng thực hiện xây dựng “Tỉnh ATGT”, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã thực sự vào cuộc, triển khai nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT”, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương. Các sở, ban, ngành đã triển khai các chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và hướng dẫn cấp dưới thực hiện.
Công tác truyền thông, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh nên đã tạo được sự đồng thuận của dư luận, lan tỏa tích cực trong xây dựng "Tỉnh ATGT" đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Các nhiệm vụ triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Tai nạn giao thông giảm sâu (22%), tình hình ANTT được giữ vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá các kết quả đã đạt được qua 3 tháng triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT”. Qua đó chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đó, cũng như đề ra phương hướng khắc phục, nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả mô hình “Tỉnh ATGT” trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đây là chủ trương lớn của tỉnh; ngoài mục tiêu làm giảm tai nạn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự còn nhằm xây dựng thí điểm mô hình văn hóa giao thông, văn hóa cộng đồng, thí điểm phương pháp, cách thức huy động hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp và người dân vào cuộc thực hiện một chủ trương, chính sách cụ thể. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đúng hướng trong xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh yêu cầu cán bộ, đảng viên trong tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đối với vấn đề TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế pháp luật về TTATGT, đặc biệt xây dựng Luật TTATGT đường bộ phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, tinh thần của Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư và hiện đại hóa công tác đảm bảo TTATGT…
“Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các kiến nghị về bất cập trong tổ chức giao thông, bổ sung hệ thống biển báo đúng quy chuẩn; hộ lan, phân làn đường, vạch sơn kẻ đường, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang... lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường theo quy định” – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh nhấn mạnh và yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đối tượng là công nhân, lao động chưa có Giấy phép lái xe hoàn thành trong tháng 6/2023. Giao Sở Nội vụ chủ trì, triển khai quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh cũng giao Công an tỉnh hướng dẫn sở, ngành, địa phương triển khai các Bộ tiêu chí “Tỉnh ATGT”; đồng thời giao trách nhiệm cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Đẩy nhanh dự án xây dựng, hiện đại hoá trung tâm giám sát, điều hành giao thông, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan, địa phương có liên quan, nhất là giữa Công an tỉnh với Sở Giao thông vận tải và Sở Thông tin - Truyền thông. Cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới mạnh mẽ phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm giao thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống giám sát…
Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông. Nghiên cứu, triển khai quy định về đấu giá biển số phương tiện giao thông đường bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an…