Giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông lớn
Thông tin về tình hình thực hiện 6 dự án giao thông lớn sử dụng vốn ODA, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 3/2023, có 6 dự án vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu do vướng mắc mặt bằng và công tác thi công của nhà thầu còn chậm.
Điểm danh 6 dự án ODA giao thông lớn chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng
Cụ thể, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ có sản lượng thực hiện đạt 73%, chậm 10% do các nhà thầu thi công chậm. Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Đường thủy chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu tập trung thi công đáp ứng tiến độ cắt đê trước ngày 1/3/2023, hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2023.
Đối với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tính đến nay, 8/11 gói thầu đã được triển khai, sản lượng đạt 6,64%, chậm 1%; 3 gói thầu còn lại (XL3, XL7, XL11) công tác lựa chọn nhà thầu chậm, kéo dài do ADB nhiều lần yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Tại dự án này, kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng tăng hơn 700 tỷ đồng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Một trong những dự án ODA chậm tiến độ tiếp theo được kể tên là dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ. Theo báo cáo, sản lượng thực hiện tại dự án mới đạt 30%, chậm 1,5% so với kế hoạch. Nguyên nhân do cầu Bến Mới (phía Ninh Bình), cầu Đa Phúc chưa có mặt bằng thi công (tỉnh Ninh Bình, TP Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai chậm). Cùng là dự án do Ban QLDA 2 phụ trách, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cũng đang có một số gói thầu tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành do nhà thầu thi công chậm (XL01, XL04A, XL04B), tổng sản lượng thực hiện mới đạt 35%. Tại dự án này, lãnh đạo Bộ GTVT đã họp, kiểm tra hiện trường, phê bình và yêu cầu Ban QLDA 2 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, sản lượng thi công dự án đến nay mới đạt gần 51%, chậm hơn 2,4% so với kế hoạch. Trong đó, hạng mục xử lý nền đất yếu (hạng mục quyết định tiến độ của dự án) chưa được giải quyết do các nhà thầu chưa tập trung đủ nguồn lực tài chính, chưa quyết liệt trong việc tổ chức thi công. Ngày 15/2/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trường, yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận quyết liệt chỉ đạo nhà thầu gói thầu CW4B, CW4C hoàn thành công tác đắp cát gia tải giai đoạn 1 trước ngày 15/3/2023, thi công đồng loạt các cầu trên tuyến; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng.
Riêng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo báo cáo, tính đến nay, 4/11 gói thầu cơ bản hoàn thành, 1/07 gói thầu còn lại (A7) đang thi công, sản lượng 67,63% chậm khoảng 12,73%. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với JICA, có văn bản yêu cầu VEC với vai trò chủ đầu tư của dự án làm việc cụ thể với nhà thầu thống nhất thời điểm triển khai thi công trở lại, khẩn trương làm việc với JICA và hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu các gói thầu A1, A4, J3, A6 để sớm triển khai thi công, đảm bảo tiến độ.
Hết quý 3/2023, phê duyệt đầu tư 18 dự án giao thông lớn
Thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thời điểm hiện tại, 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gồm: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc. 3 dự án sử dụng vốn ODA, gồm: Tuyến kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1; Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên QL1A (Bộ KHĐT đang tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến quý 3/2023) và dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu).
Thông tin thêm về tiến độ thực hiện của 57 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, đến nay, 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Đối với 18 dự án còn lại tiến độ phê duyệt đều đã chậm so với yêu cầu. Các chủ đầu tư/Ban QLDA đã lập kế hoạch điều chỉnh, phê duyệt dự án.
Cụ thể, 3 dự án dự kiến được phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 2/2023, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam. Một dự án dự kiến được phê duyệt trong tháng 3/2023 là tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; 14 dự án khác sẽ được phê duyệt trong quý 2 và quý 3/2023. Đồng thời, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư, kiểm điểm tiến độ hàng tuần, hàng tháng, tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng; báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách…để hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt dự án theo kế hoạch.
Không đầu tư đường cao tốc 2 làn xe
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp lần thứ 4 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT).
Đáng chú ý tại thông báo kết luận lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) rà soát việc bố trí vốn cho các dự án cao tốc bảo đảm đầu tư tối thiểu 4 làn xe cao tốc, có điểm dừng xe, làn dừng xe khẩn cấp, dứt khoát không đầu tư đường cao tốc 2 làn xe hạn chế gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp. Bộ KH-ĐT cũng được giao nhiệm vụ đẩy nhanh thủ tục thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Về phía các địa phương, Thủ tướng đề nghị khẩn trương hoàn thành dứt điểm các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án đang triển khai thi công; Đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, bảo đảm khởi công các dự án trước tháng 6/2023.
Cùng đó, phải triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải theo thẩm quyền đáp ứng yêu cầu của các dự án và theo các nghị quyết của Chính phủ. Cùng về vấn đề vật liệu thi công dự án, Bộ Xây dựng được giao kiểm tra, đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng, đầy đủ, sát với biến động của thị trường.
Cũng trong tháng 3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xác định trữ lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau… (Phạm Huyền)