Giải pháp nào giúp đỡ hàng trăm nghìn công nhân bị giảm giờ làm, mất việc?

Thứ Tư, 30/11/2022, 07:00

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đặt ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 31 chiều 29/11. Con số gần 42 nghìn người bị thôi việc, mất việc chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi số lao động bị giảm giờ làm, ảnh hưởng đến việc làm lên đến hơn 430 nghìn người.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề xuất các giải pháp của công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo con số của Tổng LĐLĐVN, có đến gần 42 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc, hơn 430 nghìn lao động phải giảm giờ làm (bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động). Đặc biệt, có hơn 30 nghìn lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9,5 nghìn lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.

ld.jpg -0
Triển khai các giải pháp kết nối cung – cầu, hỗ trợ lao động là giải pháp cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Tính tới điểm hiện nay, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110,227 tỉ đồng, có 121 doanh nghiệp nợ BHXH của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237,932 tỉ đồng.

“Tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động công đoàn thuận lợi hơn so với năm 2020, 2021. Tuy vậy, vấn đề nổi lên gần đây liên quan đến cắt giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm. Do đó, tổ chức công đoàn đang thảo luận, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết.

Tổng LĐLĐVN cho biết, một trong những giải pháp trước mắt, các cấp công đoàn đang triển khai là nắm chắc tình hình sản xuất - kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Công đoàn cơ sở chủ động tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên chủ động tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; bảo đảm chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

“Tổ chức công đoàn sẽ theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Trong đó chú trọng đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm. Tổng LĐLĐVN sẽ dành gói hỗ trợ khoảng 500 tỉ đồng phân bổ về các địa phương, ngành để hỗ trợ đoàn viên, người lao động vào dịp Tết Quý Mão năm 2023. Gói hỗ trợ này là để bảo đảm tất cả đoàn viên, người lao động đều được chăm lo", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh cho hay.

Trước tình trạng cắt giảm lao động xảy ra chủ yếu ở những ngành sản xuất hàng xuất khẩu do doanh nghiệp không có đơn hàng, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai các giải pháp kết nối cung – cầu, hỗ trợ người lao động là rất cấp bách. Nên tận dụng thời gian lao động bị giãn việc để nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động ứng phó với tình hình mới.

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), bên cạnh việc chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động, doanh nghiệp cũng cần tăng cường đào tạo nghề cho người lao động.

Trong lúc ngắt quãng sản xuất, doanh nghiệp nên tổ chức nâng cao trình độ cho người lao động để sau đó doanh nghiệp có thể đón đầu việc phục hồi, phát triển kinh tế, tái cấu trúc, chuyển đối cơ cấu ngành nghề tiếp nhận đơn hàng trong thời gian tới.

Phan Hoạt
.
.
.