Giải pháp bảo vệ an toàn ở các khu công nghiệp

Thứ Hai, 10/04/2023, 07:29

Từ năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn khi phục hồi sản xuất sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 530 doanh nghiệp giải thể, 1.353 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; khoảng 250.000 người lao động bị cắt giảm giờ làm, 129.125 người mất việc làm, 37.000 nghỉ không lương, 80.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Cũng trong thời gian này ghi nhận có 71 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc với 30.471 lượt công nhân tham gia; 2 vụ, 50 công nhân tập trung trước công ty yêu cầu trả lương do công ty ngưng hoạt động…

an ninh cn.jpg -0
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Bình Dương.

Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình ANTT, an ninh công nhân (ANCN), tuy nhiên, do đã chủ động đề ra nhiều giải pháp phù hợp nên Công an tỉnh Bình Dương đã ổn định được tình hình…

Theo Trung tá Trịnh Lương Huỳnh, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể xảy ra đều mang tính chất tự phát, không tuân thủ trình tự thủ tục pháp luật.

Các yêu cầu, kiến nghị của công nhân chủ yếu xuất phát từ lợi ích cá nhân nhưng chưa được chủ doanh nghiệp quan tâm giải quyết thỏa đáng và do ít hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc người lao động bức xúc, tự ý ngừng việc, đình công.

Một số đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng (Zalo, Facebook, Youtube) tuyên truyền kích động công nhân tụ tập đông người, biểu tình, làm ảnh hưởng ANTT. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết chính trị, pháp luật của công nhân hạn chế; hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI chưa phát huy hiệu quả; công nhân trong các doanh nghiệp dễ bị lôi kéo, lợi dụng tham gia vào các cuộc đình công, biểu tình…

Để khắc phục thực trạng đó, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2022, Công an tỉnh Bình Dương đã tập trung xây dựng, duy trì nhân rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các mô hình điển hình, tiên tiến, phát huy tác dụng tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các cơ quan, doanh nghiệp theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm và đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Điển hình nhất là “Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp” được nhân rộng điển hình toàn quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 1.021 Đội Công nhân xung kích với 19.390 thành viên. Đồng thời cũng có 199 cơ quan, doanh nghiệp đăng ký thực hiện cơ sở an toàn về ANTT.

Cũng trong năm 2022, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Trường Đại học An ninh nhân dân, Phòng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Phòng CSCĐ mở lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ cho 209 bảo vệ thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Công ty Quản lý tài sản Vsip, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa…

Qua đó trang bị cho lực lượng này kiến thức cơ bản về pháp luật, nghiệp vụ bảo vệ phục vụ hiệu quả trong công tác giữ gìn ANTT, bảo vệ tài sản tại cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền về tình hình hoạt động của các loại tội phạm liên quan ngành ngân hàng và diễn tập một số tình huống phòng, chống tội phạm trộm, cướp ngân hàng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Riêng về các vụ tranh chấp lao động, gây rối trong công nhân, để kịp thời hạ nhiệt và phòng ngừa “điểm nóng” này, từ lâu tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt mô hình “xây dựng lực lượng nòng cốt của các ngành, đoàn thể tại cơ sở” do Công an tham mưu thành lập.

Đây là lực lượng cốt cán trong các đoàn thể quần chúng tại cơ sở, vừa có chức năng là kênh tuyên truyền tại địa phương; nắm tình hình dư luận nhân dân, công nhân; khi có tình huống sẵn sàng huy động theo phương châm “4 tại chỗ” để tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết các điểm nóng phát sinh.

Song song đó, Công an tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm những dấu hiệu, đối tượng cầm đầu, kích động, lôi kéo công nhân đình công; chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời, dứt điểm ổn định các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp lao động, đình công tại cơ sở…

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các hội nhóm trên không gian mạng cũng được tăng cường tối đa. Nhờ sự chủ động đó nên Công an tỉnh Bình Dương đã kịp thời hóa giải mọi tình hình, ổn định ANTT ở địa bàn các khu dân cư, khu công nghiệp.

Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 56.489 dự án đầu tư trong nước và 4.047 dự án đầu tư ngoài nước; thu hút hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có 53% lao động nhập cư và hơn 23.000 người nước ngoài đến làm việc, cư trú.

“Hiện nay, Phòng An ninh kinh tế luôn chủ động chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống phức tạp về ANTT xảy ra tại khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là hoạt động tập trung đông người khiếu kiện, đình công, lãn công, biểu tình gây rối ANTT”- Trung tá Trịnh Lương Huỳnh, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương khẳng định.

Phương Tuyền
.
.
.