Gia tăng số ca mắc liên cầu lợn, người dân tuyệt đối không chủ quan

Thứ Ba, 17/12/2024, 07:01

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về cách phòng tránh, chống lây nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, vì sự chủ quan nên đã có không ít trường hợp mắc liên cầu lợn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nguy kịch tính mạng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, do thói quen trong việc sử dụng thịt lợn làm thực phẩm hằng ngày nhưng chưa được nấu chín, hoặc nhiều người có sở thích ăn tiết canh, thịt tái sống, ăn nem chua, nem chạo dẫn đến nguy cơ mắc liên cầu lợn.  Gần đây, các bệnh viện ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh nhiễm liên cầu lợn có bệnh lý nguy hiểm như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết.

giatang 2.jpg -0
Nhân viên y tế tỉnh Thừa Thiên Huế phun thuốc xử lý môi trường tại khu vực có ca nhiễm liên cầu lợn.

Trường hợp ông N.V.A. (SN 1973, trú ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong số bệnh nhân may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, điều trị kịp thời mới giữ được tính mạng do nhiễm liên cầu lợn. Ông A cho biết, sau khi sử dụng món tiết canh dê thì ông có triệu chứng đau bụng, đau đầu, sốt, rét run. Được chuyển vào nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (khuẩn liên cầu lợn). Sau nhiều ngày được các bác sĩ tích cực điều trị nên sức khỏe ông A dần ổn định, qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ nhận định, nguyên nhân khiến ông A mắc liên cầu lợn có thể do ăn tiết canh dê pha với tiết canh lợn.

Mới đây, vào đầu tháng 12/2024, trong lúc đang làm thợ xây, ông C.T (SN 1965, trú ở phường Hương Sơ, TP Huế) có triệu chứng sốt cao, đau nhức cơ nên được chuyển đến Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế kiểm tra. Phát hiện bệnh nhân xuất hiện tử ban trên da, rối loạn đông máu nên các bác sĩ đã lấy máu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Dù được điều trị tích cực nhưng sau đó bệnh nhân T sốt cao 38 độ C, bị ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Qua các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Bệnh nhân được điều trị viêm màng não mủ và được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị theo đúng chuyên khoa. Qua điều tra yếu tố dịch tễ, cơ quan chức năng xác định, trước ngày khởi phát bệnh 2 ngày, bệnh nhân ăn cơm trưa ở quán cơm và có ăn thịt lợn luộc.

Trước đó, vào tháng 10/2024, ông T.K.H. (SN 1966, trú ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốt cao, rét run từng cơn và được gia đình chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã tích cực điều trị giúp ông H vượt qua cơn nguy kịch, dần hồi phục sức khỏe và sau đó được xuất viện. BS Lê Văn Sanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ca nhiễm liên cầu lợn. Sau khi phát hiện các ca bệnh, ngành Y tế địa phương đã tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ, xác định nguồn lây bệnh và tiến hành phun khử trùng dung dịch Cloramin B 25% tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến người dân ở các khu dân cư, nhất là các khu vực gần chợ, lò mổ gia súc.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND được biết, không những ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã có nhiều trường hợp người dân mắc liên cầu lợn. Điều đáng nói, có một số trường hợp do phát hiện bệnh quá muộn hoặc gặp biến chứng nguy hiểm sau khi mắc liên cầu lợn nên không thể cứu chữa dẫn đến tử vong. TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, người mắc liên cầu lợn có tỷ lệ tử vong rất cao, do đó người dân tuyệt đối không được chủ quan và cần tuân thủ nghiêm các quy định để phòng tránh lây bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn có thể lây cho người, do đó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn được biết đến từ năm 2003. Người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh, các sản phẩm từ lợn bệnh mang vi khuẩn liên cầu lợn như máu, thịt, lòng, đặc biệt là tiết canh lợn. Biểu hiện lâm sàng chính của bệnh là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của người giết mổ, chế biến hoặc lây qua người ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn mang vi khuẩn nhưng không được nấu chín. Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật có khả năng truyền bệnh gồm ruồi, gián, chuột.

“Do đó, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thịt lợn cần được nấu chín, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là không ăn tiết canh lợn trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái, sống. Phải bảo quản dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn, dùng riêng dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín để phòng bệnh liên cầu lợn hiệu quả”, TS.BS Nguyễn Đức Hoàng khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.
.