Giá mua giảm thấp, điện gió sẽ khó thu hút vốn đầu tư

Thứ Hai, 27/02/2023, 07:02

Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp với giá điện gió trên bờ 79%; giá từ các dự án điện gió trên biển cũng khoảng 78% so với mức giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ và rẻ hơn giá nhiều loại nhiệt điện khác thời điểm hiện tại khiến không ít nhà đầu tư điện gió lo lắng.

Bởi, để đầu tư phát triển được 1 MW công suất phát, nhà đầu tư phải chi phí từ 1,5-2 triệu USD, nên mức giá mua điện tối đa 1.587 đồng/kWh với điện gió trên bờ và 1.815 đồng/kWh với dự án điện gió trên biển đang gây “sóng gió” đến phương án đầu tư cho không ít nhà đầu tư có dự án hoặc một phần dự án nằm trong khung giá điện chuyển tiếp. Đã vậy, khi thị trường chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên chắc chắc các nhà đầu tư điện gió sẽ phải chấp nhận mức giá bán này.

Ông Quốc Trung, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư điện gió phân tích, việc EVN đề xuất Bộ Công Thương khung giá giảm 20%, nhìn trước mắt sẽ có lợi cho giá điện đầu vào. Tuy vậy, sẽ có những rủi ro chung về thị trường và khó khăn cho sự phát triển dài hạn trong lĩnh vực điện gió trên cả nước.

Cụ thể, 62 dự án điện gió, tổng công suất 3,5GW, tổng vốn đầu tư lên đến gần 6 tỷ USD nằm trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ phải bán điện với giá thấp hơn 20% giá dự kiến trong phương án đầu tư ban đầu nên hầu hết các dự án sẽ trở nên không khả thi về kinh tế. Điều này khiến các chủ dự án phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn.

Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài có nguồn tiền với chi phí huy động rẻ hơn sẽ đưa ra bài toán tài chính khả thi hơn. Với việc vận hành chuỗi dự án, chi phí vận hành của doanh nghiệp ngoại cũng sẽ giảm xuống. Các tập đoàn lớn đang đứng trước áp lực và cơ hội thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng sang mảng năng lượng xanh nên họ sẽ ưu tiên mua lại các dự án điện sạch vì mục tiêu phát triển dài hạn.

Sau khi Quyết định 39 về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió có hiệu lực, trong các năm 2020-2021 các nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư phát triển điện gió. Tình trạng này đã đẩy giá nhân công, thiết bị, máy móc lên cao cùng với những khó khăn do tình hình dịch bệnh, việc không kịp huy động được lượng điện từ các nhà máy đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và gây lãng phí vốn xã hội.

Nếu như trước khi có Quyết định 39, trong gần 10 năm, cả nước chỉ có hơn 0,4GW điện gió được đưa vào vận hành. Thì kể từ khi Quyết định 39 được ban hành đến mốc thời gian kết thúc ưu đãi giá điện gió vào 31/10/2021, trên cả nước đã có 3,3GW điện gió được đưa vào vận hành và 3,5GW đang được đầu tư. Điều này cho thể thấy, việc được hưởng ưu tiên về giá điện sạch đã đưa lĩnh vực điện gió vào chu kỳ phát triển quá nóng, gây nhiều hệ lụy về quy hoạch ngành nói chung và đầu tư toàn xã hội nói riêng.

Trong đó rõ nhất là việc các dự án điện gió chủ yếu tập trung ở những địa phương chưa phát triển về sản xuất công nghiệp, trong khi hạ tầng truyền tải nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng dẫn đến tình trạng nơi cần điện thì thiếu, nơi có dự án thì thừa, điện sạch không được huy động toàn bộ.

“Xét ở góc độ xã hội, một ngành tăng trưởng nóng với cấp số nhân trong vòng 2-3 năm sẽ tạo sự phát triển lệch pha sau đó. Từ tổng vốn đầu tư lên đến cả chục tỷ USD trong năm 2021 đã quay về gần như bằng 0 trong năm 2022 và đang tạo ra sự lãng phí lớn về con người, tài chính… Về dài hạn, nền kinh tế không tích lũy được chất xám, công nghệ để làm chủ trong lĩnh vực xây dựng điện gió”, ông Quốc Trung nhận xét.

Cùng với xu hướng của thế giới, việc sử dụng năng lượng tái tạo đối với Việt Nam là không thể đảo ngược. Là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Do đó, trong dự thảo quy hoạch điện VIII đã 9 lần được Bộ Công thương trình Chính phủ trong 2 năm vừa qua, dù có nhiều thay đổi nhưng vai trò chủ đạo của điện gió trong kế hoạch phát triển năng lượng trong tương lai gần và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon 2050 là không thay đổi.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, quy mô phát triển điện gió trên bờ dự kiến đạt 17 GW trong khi điện gió ngoài khơi khoảng 7 GW. Sau năm 2030, công suất phát của điện gió trên bờ dự kiến đạt 16GW và xa bờ lên đến 73GW. Để phát triển được nguồn công suất như vậy, vốn đầu tư vào điện gió trong giai đoạn tới tiếp tục là một con số rất lớn.

Tháng 12/2022 Chính phủ đã đồng ý tham gia Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế nhằm huy động gói tài chính trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đổi lại, Việt Nam phải cam kết giảm 30% lượng khí thải hàng năm từ ngành Điện, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngày 19/2 vừa qua, EVN đã xúc tiến việc vay nguồn vốn này với đại diện Cơ quan Phát triển Pháp.

Tuy vậy, để vay được nguồn vốn “xanh” từ các tổ chức tài chính quốc tế, chủ đầu tư dự án điện gió sẽ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn mềm. Ngay cả với nguồn vốn thông thường, cũng chưa dự án điện gió trong nước nào có thể vay được từ các tổ chức tài chính quốc tế. Lý do, EVN không cam kết huy động sản lượng tối thiểu trong hợp đồng mua bán điện như đối với các nhà máy nhiệt điện than.

Do đó, nguồn vốn huy động để phát triển điện gió trong giai đoạn sắp tới vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và vốn của tư nhân. Nhưng để huy động được nguồn vốn lớn như vậy, vẫn cần chính sách đảm bảo lợi nhuận đầu tư hợp lý, ổn định với các nhà đầu tư điện gió.

Bảo Sơn
.
.
.