Gia Lai chỉ đạo ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động sang nước ngoài làm việc
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai vừa ra công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình và ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động, mua bán người trái phép qua biên giới. Việc này diễn ra ngay sau vụ 7 thanh, thiếu niên ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai mới đây bị lừa đưa sang bên kia biên giới, liên tục gọi về cầu cứu gia đình gửi tiền chuộc.
Đã hơn 1 tuần trôi qua, ngôi làng hẻo lánh Kloong của xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai vẫn chưa hết xôn xao, bàng hoàng về câu chuyện 7 thanh, thiếu niên trong làng bị sập bẫy của bọn buôn người. Trước đó, các thanh, thiếu niên trong làng hồ hởi truyền tai nhau thông tin các thành phố lớn ở miền Nam tuyển lao động không cần bằng cấp với mức lương rất cao. Chỉ sau vài ngày rời làng, hung tin được báo về gia đình.
Bà Ksor Pyel, mẹ nạn nhân Ksor Chuyên, xã Ia O, huyện Ia Grai buồn rầu cho biết, thanh niên này nói đi làm xa, gia đình không cho nhưng vẫn cứ đi. Giờ Ksor Chuyên báo về bảo bị người ta đánh đập, không cho ăn, muốn về phải nộp 150 triệu đồng. "Nhà mình ăn còn không đủ, lấy tiền đâu mà nộp. Không nộp thì sợ con lại bị đánh, mình lo lắm không biết phải làm sao", bà Ksor Pyel nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn nạn này, Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo, từ giữa tháng 6/2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cảnh báo người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, hợp đồng lao động. Cùng với đó, người dân cần kiểm tra thông tin công việc, nơi làm thông qua chính quyền địa phương hoặc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Người dân cần phải thật sự tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, có kiểm chứng để tránh sự việc đáng tiếc như trên.
Mong ước thay đổi cuộc sống bằng một công việc ổn định, lương cao của những thanh, thiếu niên vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã sớm biến thành ác mộng. Khoản tiền cả trăm triệu đồng để chuộc thân vượt quá khả năng của hầu hết những gia đình nghèo. Khi những người cũ còn chưa có cơ hội được trở về với gia đình, những nạn nhân mới vẫn đang tiếp tục tin vào những lời đường mật về một công việc nhẹ, lương cao để rồi trở thành những nạn nhân tiếp theo.