Gặp y sĩ tham gia đội điều trị dã chiến số 9 trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.
Đoàn quân “áo trắng” giữa lòng Điện Biên Phủ
Nhận lệnh lên Điện Biên tham gia chiến dịch lớn, trong lòng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Minh có chút bồi hồi. Ngày ấy, bất cứ ai được đi chiến dịch Điện Biên Phủ đều là niềm tự hào.
Ngày 15/3/1954, Y sĩ Nguyễn Văn Minh cùng Đoàn công tác có mặt tại Đội điều trị dã chiến số 9, cây số 15 trên đường lên Điện Biên Phủ do anh Bạch Quốc Tuyên, sinh viên năm cuối Đại học Y (sau này là GS. Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu – Bộ Y tế) làm đội trưởng. Đoàn điều trị có 3 ban: Ban trọng thương, cứu chữa những thương binh bị chấn thương sọ não, gãy xương, tổn thương lớn bên trong cơ thể do chị Vũ Thị Phan, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Y (sau này là GS. Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng, Bộ Y tế) làm Trưởng ban; Y sĩ Nguyễn Văn Minh làm Trưởng ban Trung thương và Khinh thương (thương binh nhẹ). Số lượng thương binh trong hai ban này khoảng 200 người. Sau khi được điều trị ổn định về sức khỏe lẫn tinh thần, họ sẽ quay trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Lực lượng y tế bấy giờ hầu hết là sinh viên ngành y. Hành trang theo họ là các tài liệu được ghi chép cẩn thận từ khi còn trên ghế nhà trường. Trong suốt thời gian căng thẳng làm nhiệm vụ cấp cứu bộ đội, những sinh viên vẫn không ngừng học hỏi để biết từng kỹ thuật mổ, từng phác đồ điều trị. “Chúng tôi còn rất trẻ, hầu hết chưa vững nghề. Chúng tôi vừa cùng điều trị cho thương binh, vừa đọc sách, hướng dẫn nhau cách mổ, cách làm thuốc, dạy cho nhau ngay trên chiến trường và đã làm rất tốt việc đó, tỷ lệ cứu chữa thành công cho thương binh rất cao”, ông Nguyễn Văn Minh nhớ lại.
Đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài với bệnh nhân ở phía sau, trong những lán trại, lều bạt và hầm hào đơn sơ giữa núi rừng Tây Bắc. Ngày 7/5/1954, ông Minh nhận được tin chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ông sung sướng hò reo, rồi chạy thẳng lên quả đồi chụm hai tay vào miệng hô lên thật to: “Chiến thắng rồi! Chúng ta đã giải phóng Điện Biên Phủ rồi các đồng chí ơi…”. Mọi người đều nghe thấy, nhảy vào ôm nhau, nước mắt cứ thế tuôn trào.
Mỗi cáng thương là một gia đình
Sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, các thương binh vừa và nhẹ của Đội dã chiến số 9 được vận chuyển về tuyến sau bằng ô tô (trước đó chở gạo lên mặt trận). Còn lại 80 thương binh nặng phải vận chuyển bằng cáng theo đường bộ. Yêu cầu đặt ra, phải gấp rút thành lập Đoàn cáng thương bộ đội song song việc hồi sức khẩn trương, đưa những người bị thương nặng trở về xuôi điều trị. Lúc này, đội đã có sẵn hai tiểu đoàn dân công. Các cáng thương được huy động tối đa. Gạo nước, thực phẩm, nồi xoong cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc di chuyển thương binh về hậu phương.
Đội cáng thương do chị Vũ Thị Phan làm Đội trưởng, ông Nguyễn Văn Minh làm Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ. Trong số 80 thương binh nặng, đội dự kiến sẽ đưa 72 thương binh nặng về hậu phương. Còn 8 thương binh tiên lượng rất xấu, rất ít hy vọng, có thể sẽ không qua khỏi dọc đường di chuyển.
Ngày 12/5, đoàn nhận được lệnh di chuyển, đi vào ban đêm để tránh máy bay địch bắn phá. Cứ đi năm đêm thì nghỉ một đêm. Sau bốn lần nghỉ, tức là sau 20 ngày đêm di chuyển sẽ về đến hậu phương. Trên đường đi, đoàn đã gặp phải vô vàn khó khăn. Ngay chặng đầu tiên đã phải vượt đèo Pha Đin vào ban đêm. Vừa đến đỉnh đèo thì gặp mưa xối xả. Mưa quất thẳng vào mặt, vào da thịt từng thành viên cáng thương và cả thương binh đang nằm cáng. Gió rít ầm ầm, thổi tung áo mưa, mũ nón và vật dụng bay khỏi cáng. Anh em trong đoàn phải ngồi quây lại thành vòng tròn, lấy thân mình che gió thốc và mưa lạnh cho thương binh.
Mờ sáng thì mưa tạnh, mây tan, gió thôi gào thé. Chính trị viên Nguyễn Văn Minh hối thúc mọi người nhanh chóng rảo chân đổ đèo gấp gáp đến trạm nghỉ dưới chân đèo trước khi trời sáng để tránh địch phát hiện.
Sau hai ngày đêm di chuyển không ngủ, vất vả, căng thẳng, ăn uống thiếu thốn, Chính trị viên Nguyễn Văn Minh cảm thấy nếu cứ kéo dài tình trạng này, không chỉ thương binh mà ngay cả nhân viên cáng thương, dân công cũng chưa chắc còn đủ sức để về đến hậu phương. Ông đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Phải tổ chức lại đoàn, chấn chỉnh lại cách phục vụ. Đến chặng thứ 4 đi trong đêm, ý nghĩ chợt lóe trong đầu. Ông Minh bàn ngay với đồng chí Đoàn trưởng Vũ Thị Phan cùng ba cán bộ chính trị của đoàn: Sẽ chia đoàn làm ba cụm, cố gắng không làm xáo trộn nhiều các cáng.
Cụm một gồm 20 cáng thương binh nặng nhất của Tiểu đoàn 1; Cụm hai có 30 cáng của Tiểu đoàn 2; Cụm ba có 30 cáng của hai tiểu đoàn còn lại. Không gọi tổ theo thứ tự như trước đây nữa mà biến mỗi tổ cáng thành một gia đình. Tổ trưởng sẽ là anh cả và lấy tên anh cả làm tên gia đình. Thương binh là em út. Mọi việc chăm sóc, khẩu phần và thuốc men như thế nào đều giao cho gia đình cáng thương toàn quyền quyết định.
Bằng cách này, mọi người trong đoàn đều vui vẻ, thoải mái, tình cảm ngày càng khăng khít như anh em một nhà. Trong suốt hành trình, chỉ phải để lại trạm một thương binh quá nặng do vết thương sâu vào đầu, bị nhiễm trùng huyết. 7 trường hợp còn lại trong 8 thương binh tiên lượng xấu ban đầu đã qua cơn nguy hiểm, sức khỏe ổn định có thể hòa vào đoàn 72 thương binh nặng còn lại trở về để các bệnh viện hậu phương tiếp tục điều trị.
Hoàn thành nhiệm vụ cứu thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục quân y chuyển ông Nguyễn Văn Minh sang làm công tác cán bộ trong ngành Quân y. Ông đã đi nhiều nơi, có mặt ở khắp các chiến trường, phụ trách việc tuyển chọn, đào đạo bác sĩ cho các mặt trận. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông trở về làm ở Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Minh đã quay trở lại Điện Biên và cơ duyên được bay cùng chuyến bay, được thăm lại các trận địa xưa cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông tự hào và hạnh phúc vì tuổi trẻ của mình được là người lính quân y, được tham gia một chiến dịch lừng lẫy năm châu do vị Đại tướng kính yêu làm Tổng tư lệnh chỉ huy.