Gặp những đảng viên gương mẫu ở vùng giáo Quảng Bình
Đầu xuân, nhân 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023), chúng tôi có buổi gặp chân tình, ấm áp với những đảng viên là người có đạo ở vùng có đông bà con giáo dân sinh sống.
Qua những việc làm, qua những câu chuyện, chúng tôi hiểu những đảng viên ở vùng giáo nơi đây đang thực sự là những người bắc cầu nối giữa đạo và đời, chính họ là những người luôn tiên phong đi đầu trong mọi phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. “Kính Chúa yêu nước” trong mỗi việc làm, mỗi lời nói đang được nhiều đảng viên có đạo ở vùng giáo truyền ngọn lửa ấm áp đến nhiều người.
Những đảng viên luôn gắn liền giữa đạo với đời
Năm nay là đúng 40 năm anh Nguyễn Chiến Sự làm Trưởng thôn Bồng Lai 2 ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Thôn Bồng Lai 2 có 182 hộ dân với 707 nhân khẩu, 98% bà con có đạo. Là một giáo dân, đảng viên Nguyễn Chiến Sự luôn trăn trở để đời sống của bà con nơi đây ngày một phát triển tốt đẹp hơn. Những năm trước, bà con ở thôn Bồng Lai 2 cuộc sống gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác nông nghiệp và đất rừng ít. Nhiều đêm, anh Nguyễn Chiến Sự nằm nghĩ, người dân sống cạnh rừng mà không có đất để trồng rừng, trong khi đó đất lâm trường Bồng Lai trên địa bàn có hàng ngàn ha lại trồng, chăm sóc không xuể.
Sau những cuộc họp chi bộ, họp thôn, anh Nguyễn Chiến Sự cùng tập thể Đảng uỷ xã Hưng Trạch đề đạt nguyện vọng lên các cấp, các ngành liên quan tìm giải pháp để bà con có đất rừng trồng. Sau khi được chính quyền địa phương và lâm trường Bồng Lai giao lại 150ha rừng, anh Nguyễn Thế Sự và chính quyền địa phương đã đo đếm chia cho bà con để trồng rừng. Từ đó cuộc sống của người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Chiến Sự nói về những năm tháng đi qua với niềm vui, niềm tự hào của một người có đạo đứng trong hàng ngũ của Đảng. 40 năm làm trưởng thôn, 25 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh luôn suy nghĩ để làm việc và mong muốn cho cuộc sống của bà con trên địa bàn ngày một phát triển. Là người sinh ra và lớn lên ở Bồng Lai, chứng kiến cái nghèo, cái đói của người làng dần được đẩy lùi và giờ đây nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, 240 cháu trong thôn đang theo học ở các cấp học… anh Sự thấy đó là niềm vui lớn trong chính cuộc sống, cuộc đời của anh, một người cả một đời “kính Chúa yêu nước”, luôn làm cầu nối giữa đạo với đời đối với bà con giáo dân trên địa bàn.
Rời nhà anh Nguyễn Chiến Sự, men theo con đường làng còn rực rỡ sắc xuân, chúng tôi gặp anh Nguyễn Sơn Cảnh, một giáo dân là đảng viên nhiều năm qua được bà con giáo dân ở thôn Thanh Bình 1 xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình rất quý mến. Hiện là xã Đội phó kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Hưng Trạch, anh Nguyễn Sơn Cảnh luôn đi đầu, sát cánh với bà con trên địa bàn khi thiên tai bão lũ, hay cuộc sống thường ngày. Vào Đảng năm 2003 khi mới 25 tuổi, anh Nguyễn Sơn Cảnh luôn phấn đấu, đi đầu trong công tác ở địa phương.
Thôn Thanh Bình 1 có 192 hộ dân, 100% bà con là giáo dân, anh Cảnh luôn có suy nghĩ làm sao để người dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Thôn Thanh Bình 1 đất chật, người đông, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào rừng. Những năm gần đây, với sự mạnh dạn của người dân trong phát triển kinh tế, sự gần gũi động viên của những đảng viên như Nguyễn Sơn Cảnh, người dân đã phát triển đa ngành nghề như làm bánh, nấu rượu, nuôi cá lồng, đi xuất khẩu lao động… cuộc sống của bà con ngày một khấm khá hơn.
Đảng trong cuộc sống mỗi làng quê
Quảng Bình là một trong những địa phương có rất đông bà con theo các tôn giáo. Số lượng người theo đạo Công giáo tương đối lớn, chiếm đến 11% dân số của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 101.500 người có đạo sinh hoạt ở 30 giáo xứ, 91 họ giáo. Trong những năm qua, bà con giáo dân luôn thực hiện đời sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước” góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Đi về nhiều làng quê, nhiều giáo xứ, chúng tôi nhận thấy các đảng viên, các chi bộ Đảng đã và đang phát huy được tinh thần trách nhiệm, sâu sát, gần gũi với bà con nhân dân trên địa bàn. Bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, chịu thương chịu khó lao động sản xuất nên đời sống ngày một ấm no. Từ sự nỗ lực của mỗi đảng viên ở cơ sở, đã hình thành nhiều phong trào, mô hình, tổ chức quần chúng để bà con giáo dân tham gia rất đông và phát huy tác dụng tốt như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “Họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”; “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”; “Khu giáo dân 6 không, 3 phòng”; “Tiếng kẻng an ninh”… các mô hình được lồng ghép với các phong trào khác ở địa phương như: “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”, đồng thời các mô hình trong đời sống của bà con giáo dân gắn với cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Hiện nay, bà con giáo dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, có nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong các địa phương vùng giáo như: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, giáo dân xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào với mô hình chăn nuôi lợn rừng trên 100 con. Hộ giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch từ một hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới 800 gốc tiêu, nuôi 60 con lợn thịt, 300 con gà thả vườn/lứa nay đã vươn lên trở thành hộ khá.
Tại thị xã Ba Đồn, các tổ hợp tác trồng sim lấy quả, trồng nghệ vàng và chế biến tinh bột nghệ thương phẩm thuộc giáo hạt Nguồn Son, làng trồng hoa thuộc giáo họ Tượng Sơn, phường Quảng Long đang từng ngày phát triển, cho thu nhập khá. Bên cạnh việc bà con giáo dân thi đua sống “tốt đời đẹp đạo”, trên địa bàn vùng cát Quảng Bình có nhiều linh mục, mục vụ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chăm lo cho đời sống bà con lương, giáo trên địa phận mình phụ trách.