Gặp những cựu chiến binh tham gia giải phóng miền Nam

Thứ Hai, 02/05/2022, 09:55

Sau 47 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2022), những người lính Cụ Hồ vẫn còn nhớ như in những cuộc hành quân xuyên đêm, xuyên rừng và những trận đánh sinh tử giữa ta và địch để giành từng tấc đất…

Tôi gặp các cựu chiến binh đang ngồi uống trà tại nhà ông Nguyễn Công Đường ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh vào một ngày đầu tháng 4/2022. Uống ngụm nước trà nóng, ông Nguyễn Công Đường cho biết, để có cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, không biết bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống.

Những người còn sống qua trận chiến ác liệt là điều may mắn, mặc dù trên người các cựu chiến binh có không ít người bị đầy thương tích. Như bản thân ông Đường là thương binh hạng 3/4, trong người còn nhiều mảnh nhỏ của mìn thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

ky uc 1.jpg -0
Ông Nguyễn Công Đường (ở giữa) và ông Nguyễn Xuân Phú (bìa phải) cùng đồng đội uống trà ôn lại kỷ niệm thời chiến hào hùng.

Ông Đường cho biết, 17 tuổi (năm 1965), ông “xếp bút nghiên” đi thanh niên xung phong, khi đủ 18 tuổi, ông đi bộ đội thuộc Trung đoàn 88 chi viện bổ sung cho chiến trường miền Nam. Qua 6 tháng hành quân bộ từ miền Bắc vào miền Nam, sau những trận sốt rét “thừa sống thiếu chết”, ông và nhiều đồng đội được tăng cường cho Tỉnh đội Mỹ Tho.

Kể về ngày 30/4/1975, ông Đường cho hay, vào đầu tháng 3/1975, Tỉnh đội lệnh triệu tập nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và các địa phương về dự đợt chỉnh huấn. “Lúc đấy họp cấp trên chỉ nói là chuẩn bị cho chiến dịch lớn chứ không nói chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 mới biết đó là chiến dịch mang tên Bác”, ông Đường cho biết.

Sau cuộc họp, ông Đường được phân công đi cùng bà Tám – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mỹ Tho. Ông Đường cho hay, lúc đấy chỉ nghe mọi người gọi theo thứ là chị Tám chứ không gọi tên thật. Buổi tối hôm đấy, đoàn công tác của tỉnh đến huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo, bà Tám chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho huyện phân công người phối hợp cùng ông Đường chuẩn bị vũ khí cho chiến dịch, cũng như chọn địa điểm cất giấu vũ khí.

“Trên đường đi, chúng tôi nhặt được chiếc dù pháo sáng, sau khi giao nhiệm vụ cho địa phương, chị Tám ở lại mấy ngày để tiếp tục chỉ đạo. Tôi còn nhớ như in tình cảm của người lãnh đạo tỉnh nhưng giản dị. Chị Tám nói ở đây nhiều muỗi, chị may cho em cái mùng (miền Bắc gọi là màn) để em ngủ khỏi muỗi chích. Chị may cho tôi chiếc mùng từ chiếc dù pháo sáng nhặt được rồi chị mới trở về tỉnh”, ông Đường chia sẻ.

Sau khi triển khai, địa phương huy động lực lượng đi vận chuyển vũ khí, chỉ huy là ông Nguyễn Công Đường. Mỗi tối có 50 nữ dân công đi vác vũ khí đều trẻ khỏe được địa phương tuyển chọn. Tối nay 50 người đi vác xong về nghỉ, tối mai lại 50 người khác, thời gian bắt đầu di chuyển từ 21 giờ đến khoảng 1 – 2 giờ sáng hôm sau, vượt qua sông Bảo Định.

Khi đi đều có du kích dẫn đường và xóa dấu vết. Quãng đường di chuyển từ nơi lấy đạn đến nơi cất giấu khoảng gần 10km. Đoàn nữ dân công vác vũ khí đến điểm tập kết bàn giao rồi về, sau đó ông Đường đưa đi cất giấu.

Thực hiện được gần một tuần thì cấp trên chỉ đạo thành lập một tiểu đội tiền phương chuyên vận chuyển vũ khí ăn ở tại căn cứ xã Tân Bình (huyện Chợ Gạo). Mặc dù đã quán triệt cho các nữ dân công nhưng cũng cần thận trọng không may bị lộ nơi cất giấu vũ khí thì nguy hiểm, vận chuyển vũ khí khoảng 20 ngày thì hoàn thành.

“Việc tập kết vũ khí tại đây là để đánh chặn địch di chuyển và vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ miền Tây lên chi viện cho Sài Gòn hoặc đánh chặn khi quân địch từ Sài Gòn chạy xuống miền Tây bằng đường sông là sông Chợ Gạo”, ông Đường cho biết.

Còn việc đánh chặn bằng đường bộ trường hợp quân địch di chuyển từ miền Tây lên chi viện cho Sài Gòn hoặc khi quân địch từ Sài Gòn chạy xuống miền Tây, ông Bùi Xuân Tạo, cựu chiến binh ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết, ông được giao nhiệm vụ cùng với 2 đồng đội ngày 26/4/1975 đi lấy cờ chỗ bà Tư Cường (còn gọi là bà Tư Bắc) ở Ấp Bắc để chuẩn bị cho chiến dịch.

Ông Tạo cho biết, ông thuộc Sư đoàn 8 (Quân khu 9) đóng quân tại Cái Bè, Cai Lậy Bắc, Cai Lậy Nam, Châu Thành Nam, khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh thì tiến về ngã ba Trung Lương, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Sư đoàn 8 trấn ngự Nam lộ (phía Nam đường 4, nay là quốc lộ 1), còn phía Bắc lộ (đường 4) có bộ đội của tỉnh là Trung đoàn 14 và kết hợp với các trung đoàn khác được điều động đến.

Mặc dù quân ta đã giải phóng Sài Gòn vào trưa 30/4/1975 nhưng quân Ngụy tại Mỹ Tho vẫn cố thủ không đầu hàng nên hai bên vẫn đánh nhau ác liệt. Sau đó, một số lính Ngụy thuộc Sư đoàn 7 nói với nhau là “Sài Gòn mất rồi, chúng mày giữ làm gì?”. Quân lính bắt đầu bỏ về, lúc này chỉ huy lính không nghe và không còn đường chạy do quân ta đã chặn các ngả và tấn công liên tục nên Trần Văn Hai – Tư lệnh Sư đoàn 7, Bộ binh Việt Nam Cộng hòa đã treo cổ tự tử.

Nói chuyện về thời chiến tranh, khí thế của những người lính Cụ Hồ vẫn hừng hực. Ông Nguyễn Xuân Phú cũng là cựu chiến binh xã Vĩnh Lộc A cho hay, ông thuộc Sư đoàn 316 trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên, tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột. Được lệnh cấp trên, sư đoàn của ông bắt đầu nổ súng từ khoảng 4 giờ sáng 10/3/1975, đánh liên tục 3 ngày liền, đến ngày 13/3/1975 thì giải phóng Buôn Ma Thuột.

“Trước trận chiến một thời gian, chúng tôi được cấp trên cho biết sắp tới sẽ đánh ở thành phố nên được tập luyện theo mô hình đánh đường phố, đánh ở ngã ba, ngã tư, đánh lô cốt, đầu cầu, phá hàng rào… để khi vào thành phố mình không bỡ ngỡ. Nhưng lúc đó không biết là đánh thành phố nào, chỉ biết là sẽ đánh ở thành phố.

Sau đó cấp trên đưa sa bàn Buôn Ma Thuột xuống để chúng tôi học và tham khảo ý kiến nên đánh vào hướng nào, xem ai có ý kiến đúng với phương án của cấp trên hay không. Người này ý này người kia ý khác nhưng cuối cùng cấp trên chỉ đạo đánh vào chỗ địch mạnh nhất, sơ hở nhất”, ông Phú cho biết.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột thì được lệnh đi tiếp nhưng không biết đi đâu, cấp trên chỉ cho biết sắp tới sẽ thực hiện chiến dịch mang tên Bác, tất cả đơn vị phải quyết tâm. “Lúc đấy xe chở lính, xe xích kéo pháo, xe tăng, đi rầm rập rầm rập như mở hội, xuất phát từ Buôn Ma Thuột cứ kéo đi, trên đường đi quân địch thấy đông nên sợ không dám nổ súng.

Tại Phước Long, ta vừa nổ súng là quân địch đầu hàng ngay. Lúc hành quân, người dân hai bên đường mang cờ giải phóng ra cổ vũ, rồi mang đồ ăn cho bộ đội. Sau đó, chúng tôi đánh trận cánh đồng Dù tại Củ Chi, rồi tấn công vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung (tại địa phận Quán Tre, Hóc Môn) và đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ta tấn công từ nhiều mũi, khí thế và tinh thần chiến đấu của chúng tôi lúc đấy hăng lắm”, ông Phú nói chắc nịch.

Có một chi tiết mà ông Phú tâm đắc và khen chiến thuật của ta quá tuyệt vời gọi là “biểu dương lực lượng”. Đó là cứ ngày hôm nay hành quân di chuyển từ Củ Chi đi qua địa bàn khác rồi tản ra ngủ ở nhà người dân, sáng hôm sau lại hành quân về Củ Chi.

“Vậy nên người dân nói sao mà bộ đội đông quân thế, mới ngày hôm qua ở dưới kia đi lên đông như vậy, bây giờ quân ở đâu lại về dưới này nữa. Quân địch cũng sợ nên không dám ra. Phải nói là chiến thuật của ta thông minh thật, nếu bình thường mình nghĩ không ra đâu, sau này tôi mới biết đó là nghệ thuật chiến tranh”, ông Phú chia sẻ.

Những cựu chiến binh kể, nghĩ lại thấy khổ vô cùng, hành quân từ miền Bắc vào miền Nam đi qua khu rừng già khát nước đến nỗi phát khóc không có nước mà uống. Gian nan vất vả khó có thể sử dụng từ ngữ nào để diễn tả hết, nhưng trong suy nghĩ của những người lính trẻ mới 18 đôi mươi chỉ có một ý chí duy nhất là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nguyễn Cảnh
.
.
.