Dung hòa giữa vỉa hè cho người đi bộ với vấn đề kinh tế, văn hóa
Trước thực trạng quy định về quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nhiều bất hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tháng 3 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án "Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố" để trình UBND thành phố xem xét thông qua.
Theo đề án này, trước khi muốn sử dụng tạm thời vào mục đích khác, vỉa hè phải đảm bảo dành ít nhất 1,5m cho người đi bộ. Muốn sử dụng tạm lòng đường, phần bề rộng còn lại phải đủ cho tối thiểu 2 làn ôtô cho mỗi chiều lưu thông.
Để quản lý đối với hơn 14.000 tuyến đường trên địa bàn, dự thảo của Sở GTVT phân cấp các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè sẽ do TP Thủ Đức và 21 quận, huyện xem xét cấp phép.
Đối với hoạt động sử dụng tạm lòng đường, Sở GTVT hoặc UBND các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm cấp phép tùy theo thẩm quyền quản lý đối với các tuyến đường. Như vậy, sau vài chục năm loay hoay với chuyện giữ gìn trật tự và kiểm soát tình trạng lấn chiếm rồi đến cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường, đến nay vấn đề này tiếp tục được đưa ra.
Nhìn lại quá trình thực thi chủ trương “giữ vỉa hè cho người đi bộ” tại TP Hồ Chí Minh vài chục năm qua có thể thấy, vấn đề giữ vỉa hè cho người đi bộ với hoạt động kinh tế vỉa hè vẫn chưa thể dung hòa.
Cách đây gần 20 năm, TP Hồ Chí Minh đã xác định 35 tuyến đường trọng điểm để giao cho các địa phương quản lý và kiểm soát chặt chẽ, không cho buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè. Khi chủ trương này được thực thi, để hiểu rõ về hoạt động kinh tế vỉa hè, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đã có cuộc khảo sát trên diện rộng đối với người buôn bán trên hè đường.
Kết quả đã cho thấy, ngoài 5.000 hộ kinh doanh tại nhà mặt tiền đường có dấu hiệu lấn chiếm vỉa hè, trên các tuyến đường này còn có ít nhất 2.100 người buôn bán cố định trên vỉa hè và thêm khoảng 500 người buôn bán lưu động.
Tiếp tục khảo sát sâu về những người buôn bán trên vỉa hè của 10 tuyến đường trọng điểm, nhóm cán bộ của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đã có kết quả hơn một nửa trong số này là người lao động đến từ các tỉnh, thành khác. Theo TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cùng với quá trình đổi mới và phát triển của TP Hồ Chí Minh, trong hàng chục năm, qua trung bình mỗi năm có khoảng 200 nghìn người lao động từ các nơi di chuyển về thành phố sinh sống.
Do không có trình độ nghề nghiệp, phần lớn lực lượng lao động này đã tham gia vào khu vực kinh doanh trên vỉa hè để kiếm sống. Ngoài việc không phải trả thuế phí hay thuê mặt bằng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đồ uống… trên vỉa hè của người dân thành phố cũng khá lớn, do vậy hoạt động kinh doanh, buôn bán nhỏ trên vỉa hè tại thành phố ngày càng đông đúc. Ngành kinh tế vỉa hè tại thành phố ngày càng phát triển và đã giúp nuôi sống cả triệu người dân TP Hồ Chí Minh cũng như người dân các tỉnh khác.
Về quá trình quản lý hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè của TP Hồ Chí Minh hơn 40 năm qua, TS Dư Phước Tân chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn đầu các hoạt động kinh tế vỉa hè được thành phố chủ trương thực thi là kiên quyết cấm đoán do gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Song việc kiên quyết cấm đoán trong cả chục năm vẫn không hiệu quả, hoạt động kinh tế trên vỉa hè vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh hơn.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho thấy, có đến 85% số người buôn bán trên vỉa hè được hỏi đều cho rằng nhiều lần bị chính quyền địa phương ra quân đẩy đuổi, dẹp bỏ hoạt động trên vỉa hè, nhưng sau đó họ vẫn quay lại để bám trụ buôn bán.
Trong một báo cáo về chương trình chống kẹt xe, cách đây vài chục năm, UBND thành phố đã phải thừa nhận rằng “Tình hình sử dụng lòng, lề đường làm nơi trưng bày hàng hóa, ăn uống còn diễn ra rất phổ biến ở nhiều nơi, kể cả khu vực trung tâm thành phố…”.
Do đó TP Hồ Chí Minh đã phải quản lý mềm dẻo hơn bằng cách phân công Sở Tài chính, Sở GTVT và ngành thuế… phối hợp quản lý những người buôn bán trên vỉa hè, xem xét cấp giấy phép tạm thời cho một số người được buôn bán tại đây. Đồng thời giao trách nhiệm cho UBND các phường trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm…
Theo danh mục 159 tuyến đường tại 12 quận, huyện trên địa bàn có vỉa hè được TP Hồ Chí Minh cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí trước đây tập trung chủ yếu ở quận 1, quận 5, quận 10 và quận 3… thì hầu như các tuyến vỉa hè này cũng chỉ có bề rộng từ 3-6m. Trong khi nhà mặt tiền các tuyến đường lớn đều kinh doanh, tận dụng diện tích vỉa hè phía trước để trưng bày hàng hóa hoặc đậu tạm xe gắn máy.
Do đó với những tuyến đường có vỉa hè rộng 5-6m, còn có thể chừa đủ lối đi cho người đi bộ. Còn với những đoạn đường vỉa hè chỉ rộng 3m, việc đi bộ qua lại của người dân sẽ rất khăn. Vì vậy, quy định dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ ở những đoạn đường chỉ có vỉa hè rộng trên dưới 3m là không đơn giản.
Thực tế cho thấy, để đảm bảo bề rộng vỉa hè cho người đi bộ, thời gian qua không ít phường, quận tại thành phố đã cho kẻ vạch sơn phân định rõ trên vỉa hè phần nào người dân có nhà mặt tiền được phép sử dụng tạm, phần nào phải dành cho người đi bộ. Những đoạn được kẻ vạch sơn như vậy, người dân chấp hành tốt hơn.
Để giữ vỉa hè cho người đi bộ, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm dựng hàng rào sắt thấp trên nhiều đoạn vỉa hè đường ở khu vực trung tâm để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nhất là ngăn người đi xe máy chạy lên vỉa hè mỗi khi trên đường bị ùn ứ phương tiện.
Cho rằng nếu không cho phép sử dụng tạm thì người dân vẫn cứ lấn chiếm vỉa hè bởi hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên vỉa hè đã trở thành một ngành kinh tế, chuyên gia giao thông Mai Trọng Tuấn góp ý, để giữ vỉa hè cho người đi bộ, các quận, huyện cần kẻ vạch sơn phân định trên vỉa hè.
Làm rõ phần vỉa hè nào buộc phải dành cho người đi bộ, phần nào cho phép người dân đăng ký sử dụng tạm có thu phí và lấy nguồn thu phí này phục vụ việc duy tu vỉa hè. Đồng thời, muốn chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, không thể cứ lấy nhân lực của các phường, các quận và dồn sức cho việc này.
Mà các địa phương cần huy động hệ thống camera giao thông, camera trước cửa nhà dân, cơ quan, đơn vị để giám sát. ông Tuấn đề nghị, sau khi làm như vậy, cứ phát hiện hộ kinh doanh nào, khu vực nào có lấn chiếm, lập tức cử lực lượng xuống nhắc nhở, xử phạt. Những nơi vi phạm nhiều lần sẽ thu hồi giấy phép sử dụng tạm vỉa hè. Có như vậy, trật tự vỉa hè mới được đảm bảo đi vào nền nếp.