Cận Tết, nỗi lo thực phẩm sạch ám ảnh dân Hà Nội

Thứ Bảy, 03/01/2015, 14:26
Hà Nội với dân số hơn 8 triệu dân nhu cầu về thực phẩm sạch đang là nhu cầu hàng ngày cực lớn của người dân. Trong bối cảnh đời sống người dân càng nâng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch như hiện tại thì việc đáp ứng nhu cầu đó là vấn đề cần phải tính toán một cách nghiêm túc.

Cách đây ít lâu, cư dân mạng xôn xao về câu chuyện một chủ trang trại trồng rau sạch tại Ba Vì (Hà Nội) và mang xuống tận một số cơ quan, công sở nội thành Hà Nội để cung cấp cho khách hàng.

Rau sạch, đủ chủng loại được giao đến tận nơi làm việc của các mẹ, các chị hàng tuần theo lịch đã ấn định tiện lợi đủ đường đã khiến cho dịch vụ này cực kỳ đắt khách. Người này rỉ tai người khác và cơ sở này sau đó đã bán đều đặn hàng tuần cho các cán bộ, nhân viên  gần chục cơ sở tại Hà Nội.

Trong một xã hội hiện đại và với tốc độ phát triển chóng mặt trên đủ mọi lĩnh vực, một nhu cầu tưởng như rất bình thường của người dân đô thị lại đang trở nên khó khăn hơn, đó là thực phẩm sạch.

Một trang trại sản xuất rau sạch, một cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm sạch đáng ra phải là điều hiển nhiên chẳng có gì đáng ca tụng và tìm kiếm thì giờ đây đang thành của hiếm.

Người ta phải chen chúc, xếp hàng, thậm chí là đặt hàng từ nhiều ngày trước mới mua được rau sạch, thực phẩm sạch. Rõ ràng là dịch vụ bán rau sạch tại công sở là một sự lựa chọn hợp lý trong thời buổi hiện tại và trở thành cứu cánh cho nhiều khách hàng trong thời buổi khát thực phẩm sạch như hiện nay.

Tuy nhiên, câu chuyện về dịch vụ bán rau sạch tại công sở ở Hà Nội và hình ảnh những bà nội trợ phải tranh thủ giờ làm của mình xếp hàng lựa chọn rau sạch ngay tại sảnh cơ quan, công sở rất đáng khiến cho cơ quan quản lý suy nghĩ.

Đơn cử như tại Hà Nội với dân số hơn 8 triệu dân nhu cầu về thực phẩm sạch đang là nhu cầu hàng ngày cực lớn của người dân. Trong bối cảnh đời sống người dân càng nâng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch như hiện tại thì việc đáp ứng nhu cầu đó là vấn đề cần phải tính toán một cách nghiêm túc.

Trên thực tế Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng một vùng trồng rau sạch, thậm chí đã xây dựng những chuỗi cửa hàng bán rau sạch, thậm chí tại một số siêu thị, cửa hàng cũng đã xuất hiện những nhãn hàng rau sạch.

 Thế nhưng sau những vụ việc hợp tác xã bán rau sạch bị phát hiện mua rau trôi nổi ngoài chợ đầu mối rồi gắn mác rau sạch, cơ sở trồng rau sạch vẫn phun hóa chất, rồi cửa hàng, siêu thị bán rau sạch không đảm bảo… niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường rau sạch đã vơi cạn.

Thay vì tìm đến những siêu thị, cửa hàng, người dân Thủ đô giờ đã nghĩ ra đủ cách như trồng rau sạch trên sân thượng, ban công, thậm chí cả trên bờ đê và những khoảng đất hiếm hoi ở các khu nhà tái định cư…

Nhiều người đã phải đặt hàng thực phẩm ở quê và những dịch vụ rau sạch mang tới tận công sở ít ỏi đã được kiểm nghiệm. Tại một thành phố có hơn 8 triệu dân thì những nguồn cung thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún tạm bợ như vậy rõ ràng chẳng thấm tháp vào đâu.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm sạch lại càng trở nên bức thiết hơn. Thực ra không chỉ đến cận Tết mà câu chuyện về việc lo miếng ăn hàng ngày cho thành phố hơn 8 triệu dân rõ ràng là một vấn đề lớn, bức thiết bởi nó liên quan đến chất lượng sống, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là trong hoàn cảnh thông tin về rau phun hóa chất độc hại, vật nuôi bằng các chất tăng trọng có hại cho sức khỏe tràn lan như hiện nay.

Thay vì để người dân tự xoay xở với thực phẩm tự làm “Homemade”, thay vì việc phải đặt hàng rau sạch tại quê hay rau sạch tận công sở, những nhà quản lý cần phải có chiến lược dài hơi và quy củ hơn.

Hà Thành
.
.
.