Du lịch Việt háo hức chuẩn bị đón khách

Thứ Sáu, 18/03/2022, 07:34

Sau nhiều ngày chờ đợi, phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, tạm khép lại những phấp phỏng, lo lắng về các quy định cụ thể trong triển khai đón khách có thể trở thành rào cản cho du lịch phục hồi.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch mở cửa trở lại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hướng tới hoàn thành vượt mức mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Để mở lại hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Sở quản lý Nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”.

Các địa phương ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách như giảm giá vé tham quan, tặng thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch..., chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa hoạt động du lịch, trong đó có các phương án phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định...

Du lịch Việt háo hức chuẩn bị đón khách -0
Du lịch Việt đặt mục tiêu đón 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022.

Cũng nhằm phục hồi du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, hiện nay, chiến dịch “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) đã và đang được triển khai đồng bộ trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam cho khách quốc tế bao gồm trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, YouTube và Pinterest; các kênh truyền thông quốc tế cũng như thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Sau hơn 3 tháng triển khai, Chiến dịch này đã gây ấn tượng mạnh, chạm được đến trái tim của người xem, khiến du khách được truyền cảm hứng và mong chờ được “sống trọn vẹn” ở Việt Nam. Chiến dịch này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; tăng cường hợp tác với mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với vai trò cầu nối thông tin và hỗ trợ quảng bá du lịch, tạo động lực để ngành Du lịch phục hồi.

Khẳng định thời điểm mở cửa vào ngày 15/3 không phải trễ so với các nước trong khu vực, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt còn cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là làm thế nào để chúng ta khôi phục lại hoạt động du lịch một cách khẩn trương, đồng bộ, tạo ra liên kết ngành và liên kết địa phương hiệu quả, hỗ trợ và định hướng phù hợp cho doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để giải quyết các khó khăn, thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có nhiều giải pháp và sẽ ưu tiên triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi động lại hoạt động kinh doanh, kết nối đối tác, lựa chọn thị trường khách, phát triển sản phẩm. Ngành Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hãng hàng không tăng cường khai thác kết nối đường bay quốc tế với các thị trường trọng điểm, nghiên cứu khai thác thêm các đường bay mới tới các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Các hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Về phục hồi và phát triển nguồn nhân lực, trước mắt, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch sau khi mở cửa.

Về dài hạn, Bộ sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và dịch chuyển lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch.

Ngoài ra, ngành Du lịch sẽ buộc phải phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng phục vụ du khách, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách và xu hướng du lịch “hạn chế tiếp xúc” sau đại dịch.

N.Nguyễn
.
.
.