Du lịch miền Tây phục hồi sau thời gian dài “đóng băng”
Sau thời gian dài bị “đóng băng” do dịch COVID-19, ngành du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) dần phục hồi và phát triển với những kế hoạch, phương án mở cửa đón khách trong điều kiện “thích ứng linh hoạt, an toàn”…
Kỳ vọng sức bật sau Tết Nguyên đán
Sau thời gian dài bị “cột chân” do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đón nhận lượng khách du lịch tăng cao. Tại TP Cần Thơ, một số điểm du lịch như Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề… mỗi ngày bình quân đón hàng ngàn lượt khách, cao điểm là từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, tăng cao gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch tại Cần Thơ trở lại nhanh hơn kỳ vọng, sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tại Cồn Sơn bình quân mỗi ngày đón hơn 30 đoàn khách, trong đó có nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành khác. Một số điểm tham quan, check-in đã có những phương án kinh doanh linh hoạt, giảm từ 10-30% giá vé, thậm chí miễn phí vé vào cổng, thu hút du khách, đặc biệt giới trẻ. Theo các công ty lữ hành, lượng khách đến ĐBCSL trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, ngoài lựa chọn Cần Thơ là điểm đến, phần đông du khách chọn tour kết nối đến Phú Quốc, Hà Tiên, TP Châu Đốc, Bạc Liêu…
Thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho thấy, từ ngày 29 đến hết mùng 6 Tết, lượng khách đến các điểm du lịch, tham quan trong tỉnh đạt khoảng 30.000 lượt người, trong đó có khoảng 5.750 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh trong dịp Tết đạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt khoảng 4,7 tỷ đồng…
Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đã triển khai việc quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở cửa lại du lịch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng các chương trình, gói kích cầu du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Với mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, du lịch An Giang đã có khởi đầu tốt đẹp, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển trong năm 2022. Theo báo cáo từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh An Giang, lượng khách đến các khu, điểm du lịch, tham quan, giải trí trên địa bàn, từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết ước đạt 740.000 lượt, tăng 85% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Khu Du lịch núi Sam thu hút 160.000 lượt khách, Khu Du lịch núi Cấm với hơn 108.000 lượt, điểm du lịch đồi Tức Dụp với 27.000 lượt, điểm du lịch Rừng tràm Trà Sư với hơn 30.000 lượt… Đáng chú ý, lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh An Giang trong những ngày Tết ước đạt 7.000 lượt, tăng 75% so cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTTDL An Giang chia sẻ, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Các khu, điểm du lịch đã đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, diện mạo, thiết kế cảnh quan, tiểu cảnh kết hợp dịch vụ ẩm thực đa dạng để thu hút du khách tham quan, chụp ảnh nên lượng khách đến trong dịp Tết tăng nhiều so cùng kỳ…
Chủ động thích ứng…
Với mục tiêu hiện tại là phát triển du lịch trong nước làm nền tảng cho phát triển du lịch địa phương, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều đã và đang triển khai kế hoạch mở cửa trong điều kiện “thích ứng linh hoạt, an toàn”. Đề cập đến định hướng phục hồi, tạo sức bật cho hoạt động du lịch tại các địa phương, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng việc đổi mới, phát triển sản phẩm và liên kết hợp tác phát triển du lịch. Dự kiến đến hết quý 1, đặc biệt là trong dịp Hè năm nay, sẽ thực sự là giai đoạn tăng tốc của các hoạt động du lịch ở Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.
Phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới” đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp du lịch phải nỗ lực đổi mới, từ sản phẩm, tour, tuyến đáp ứng nhu cầu của khách. Năm 2022, ngành du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu thu hút khoảng 5,6 triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Kiên Giang đang tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh thông qua nhiều hình thức, tiếp tục mở rộng các thị trường du khách phù hợp với tình hình mới.
Một số đề án đang được tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Đề án phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia Phú Quốc; đề án triển khai các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch; Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi thị trường khách du lịch trong nước đến Kiên Giang nhằm bảo đảm mục tiêu kép: Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh quyết tâm xây dựng và khẳng định hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang là điểm đến an toàn, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách du lịch.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, Trần Minh Lý cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội và du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông theo đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển. Tiếp tục nâng cấp phát triển ba cụm du lịch cộng đồng tại các huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung. Kết hợp phát triển du lịch điện gió, du lịch biển với tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến những giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long phối hợp chính quyền địa phương và chủ các cơ sở du lịch trong tỉnh tổ chức hội thảo, khảo sát tình hình đưa ra những đánh giá, định hướng phù hợp. Theo kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022, lộ trình phục hồi gồm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 11 đến ngày 31/12/2021, hoạt động du lịch nội vùng đối với địa bàn vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2); giai đoạn 2 từ ngày 1/1 đến 30/4/2022 sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; giai đoạn 3 từ ngày 1/5 đến 31/12 sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh đã và đang tập trung khai thác hợp lý lợi thế của địa phương, chú trọng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đa dạng hơn và tạo điểm nhấn để giữ chân du khách. Đồng thời, chú trọng yếu tố liên kết trong phát triển tour, tuyến, đặc biệt là liên kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL để có sự hỗ trợ trong mở rộng nguồn khách. Song song đó là quan tâm xây dựng hình ảnh, thương hiệu và không gian du lịch lành mạnh, tạo sự thoải mái và an toàn cho du khách.
Ông Trần Minh Trí, Tổng Giám đốc An Giang Tourimex cho biết, sau thời gian dài phải ở nhà quá lâu do dịch COVID-19, người dân có xu hướng muốn xê dịch, nhất là trở về với du lịch tự nhiên. Vì thế, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng sẽ được du khách quan tâm, tìm đến nhiều hơn. Tại An Giang, một trong những điểm đến được yêu thích là Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư. Với diện tích 845 rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng đất tây sông Hậu. Rừng tràm Trà Sư được đưa vào khai thác du lịch sinh thái với nhiều đầu tư, cải tạo cảnh quan rất ấn tượng và độc đáo, đáng chú ý, là cầu tre “vạn bước”, có chiều dài hơn 10 km, đạt kỷ lục chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam.