Du khách bắt đầu tham quan trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh
Sáng 29/4, những du khách đầu tiên đã được trải nghiệm tour tham quan trụ sở 110 năm tuổi của HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh.
Trụ sở HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20, xứng đáng là nơi làm việc của cơ quan đứng đầu thành phố, nơi họp HĐND, nơi đón tiếp các phái đoàn ngoại giao quốc tế,…
Trong hai ngày 29 - 30/4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức tham quan miễn phí dành cho cựu chiến binh và thanh niên, thiếu nhi thành phố. Chương trình tham quan được tổ chức với 48 đợt tham quan/2 ngày, mỗi đợt cách nhau 20 phút và không quá 30 khách/đợt, thời lượng mỗi đợt tham quan là 60 phút.
Các khu vực tham quan bên trong HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh bao gồm: sảnh chính tầng trệt, sảnh tầng 1, các phòng tiếp khách quốc tế, các phòng họp, cầu thang, ban công nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Du khách được nghe hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về lịch sử của tòa nhà trước khi vào tham quan bên trong. Sau đó, khách tham quan di chuyển vào bên trong để nghe thuyết minh viên giới thiệu các điểm nhấn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Các chuyến tham quan đều tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, đảm bảo tính nguyên vẹn của Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đây là công trình có lịch sử hơn 110 năm tuổi và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2020. Chương trình tham quan là một trong những hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh thành phố cởi mở, thân thiện.
Năm 1898, tòa nhà được khởi công xây dựng tại vị trí cuối đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Lúc đầu, họa sĩ Ruffet thực hiện phần trang trí nội thất. Do sự bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffet và các nghị viên người Việt trong Hội đồng thành phố, năm 1907 công việc này được giao cho họa sĩ Bonnet. Năm 1909 tòa nhà Hội đồng thành phố được khánh thành với sự tham dự của Toàn quyền Đông Dương.
Từ sau năm 1954 đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn đặt chức Đô trưởng để quản lý thành phố, sử dụng Dinh Xã Tây làm trụ sở nên dinh được đổi tên thành Tòa Đô chính. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Trụ sở có bề ngang rộng 30m nhìn thẳng ra đường Nguyễn Huệ. Trước kia phía trước tòa nhà là một bãi cỏ rộng, nơi ban nhạc của Hải quân Pháp thường biểu diễn cho công chúng xem, nay là vườn hoa có đặt tượng Bác Hồ và bia lưu niệm sự kiện công bố Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ.
Phần chính giữa tòa nhà là ngọn tháp nhô cao, hai bên có tầng mái cân đối. Trên đỉnh tháp treo quốc kỳ, phía dưới có chiếc đồng hồ tròn. Chính giữa tháp đắp nổi một phù điêu hình một nữ thần, hai thiên thần nhỏ cùng các con thú. Trên mặt tiền mỗi tầng tháp gắn tượng hai nữ thần tay cầm thanh gươm, chung quanh là những sản vật địa phương. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu: bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu baroque và rococo, cửa sắt kiểu art - nouveau,… Hàng cột tròn theo thức cột Corinth chống đỡ phần trung tâm của lầu một, được xen kẽ với các cửa vòm, tạo sự thông thoáng, mềm mại cho tòa nhà. Trục trung tâm của tòa nhà càng nổi bật với cách trang trí dày đặc những tràng hoa tròn, dây lá, mô tip lá phiên thảo, phù điêu mặt người, mặt sư tử trên tháp, các cột chống đỡ dưới ban công,… Cổng chính hình vòm với năm cổng rộng, liên tiếp nhau cũng được trang trí khá cầu kỳ với những dây hoa, lá. Các cánh cửa đều được làm bằng sắt và được uốn hoa văn rất đẹp. Cổng phụ ở mặt tiền là lối cho xe hơi chạy thẳng vào sân trong tòa nhà. Các mô tip trang trí trên cổng phụ khá đơn giản với những tràng hoa cách điệu.
Từ cổng chính dẫn vào sảnh lớn giữa tầng trệt, hướng thẳng đến cầu thang dẫn lên lầu một. Nội thất tòa nhà được trang trí phong phú, đầy khắp các bức tường và trần nhà với rất nhiều những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng, tranh kính nhiều màu sắc hay những bức họa trên trần… rất thời thượng lúc bấy giờ.